Trước mỗi kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta, đẩy mạnh âm mưu lôi kéo cán bộ, làm chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ trong Đảng; tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, phát tán thông tin không đúng sự thật… nhằm mục đích chính trị diễn ra phức tạp. Để xác minh làm rõ các vấn đề, ổn định dư luận xã hội việc giải quyết khiếu nại, tố cáo kỷ luật Đảng cần phải được quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời.
Thực hiện yêu cầu đó, Hướng dẫn số 10-HD/UBKTTW, ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp đã chỉ rõ: Các cấp ủy đảng cần nắm chắc tình hình tố cáo, kịp thời phân loại, xử lý tố cáo tổ chức đảng, đảng viên. Tăng cường việc tiếp đảng viên, công dân, tiếp nhận đơn tố cáo, phản ánh; kịp thời tổng hợp để nắm chắc số lượng đơn tố cáo tổ chức đảng, đảng viên. Chủ động phân loại, rà soát để xác định rõ tố cáo không phải giải quyết. Đồng thời, căn cứ nội dung tố cáo, đối tượng bị tố cáo và quy định phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Chính trị, ban thường vụ cấp ủy cấp trên và cấp mình để xác định cụ thể, đầy đủ những tố cáo tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp tố cáo tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền nhưng chưa xem xét, giải quyết được hoặc đang giải quyết nhưng không thể kết thúc trước khi khai mạc đại hội do không đủ thời gian theo quy định thì kịp thời báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp mình để xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời báo cáo ủy ban kiểm tra cấp trên.
Trường hợp tố cáo nhận được trong vòng 25 ngày đối với cấp cơ sở và 30 ngày đối với cấp trên cơ sở trở lên tính từ ngày nhận tố cáo đến trước ngày khai mạc đại hội, theo quy định thì không tiến hành giải quyết, nhưng phải tổng hợp đầy đủ, báo cáo ban thường vụ cấp ủy cấp mình, ủy ban kiểm tra cấp trên và chuyển hồ sơ cho ủy ban kiểm tra và ban thường vụ cấp ủy khóa mới xem xét, giải quyết.
Trường hợp tố cáo không thuộc phạm vi giải quyết của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra căn cứ vào đối tượng bị tố cáo, nội dung tố cáo, ủy ban kiểm tra báo cáo cấp ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng của Nhà nước giải quyết hoặc đề nghị ủy ban kiểm tra cấp trên giải quyết theo thẩm quyền.
Trường hợp tố cáo không thuộc chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của ủy ban kiểm tra thì tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, cơ quan có liên quan chủ trì hoặc chỉ đạo giải quyết theo đúng Quyết định số 210-QĐ/TW, ngày 08/11/2013 của Bộ Chính trị về ban hành Quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và quy định của cấp ủy cấp trên và cấp ủy cấp mình quản lý; giúp cấp ủy giám sát, đôn đốc giải quyết, kết thúc trước khi khai mạc đại hội theo quy định.
Trường hợp tố cáo có nhiều nội dung, liên quan đến trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức thì ủy ban kiểm tra chủ trì giải quyết. Khi giải quyết, ủy ban kiểm tra phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để cử đảng viên tham gia đoàn giải quyết tố cáo. Trường hợp cần thiết, ủy ban kiểm tra và tổ chức đảng có liên quan có trách nhiệm báo cáo để ban thường vụ cấp ủy cùng cấp giao cho một cơ quan chủ trì, có sự phối hợp của các cơ quan liên quan hoặc ban thường vụ cấp ủy quyết định thành lập đoàn giải quyết tố cáo theo quy định về giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy cùng cấp quản lý.
Tập trung kiểm tra, giải quyết những vấn đề bức xúc ngay tại cơ sở
(ảnh: KK)
Trường hợp tố cáo chính danh không có cơ sở, điều kiện để giải quyết thì cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp phải thông báo cho người tố cáo biết ly do để chấm dứt việc tiếp tục tố cáo.
Các tố cáo không giải quyết bao gồm: Tố cáo giấu tên, mạo danh, không rõ địa chỉ; tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền do Điều lệ Đảng quy định xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệuh, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc; tố cáo có tên nhưng nội dung không cụ thể, không có căn cứ để thẩm tra, xác minh; đơn tố cáo không phải do người tố cáo trực tiếp ký tên; đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên; đơn tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự.
Tập trung lực lượng, phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, tổ chức có liên quan để giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền; trước hết là những tố cáo tổ chức đảng, đảng viên liên quan trực tiếp đến công tá c tổ chức đại hội đảng và những tố cáo đảng viên liên quan đến nhân sự cấp ủy khóa mới và đại biểu đại hội đảng các cấp.
Qua giải quyết tố cáo, phải kết luận rõ đúng, sai, khuyết điểm hoặc vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên bị tố cáo; xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp có vi phạm và phải kết thúc trước ngày khai mạc đại hội.
Cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy triệu tập đại hội chỉ xem xét đơn khiếu nại kỷ luật đảng liên quan đến nhân sự cấp ủy khóa mới, đại biểu dự đại hội đảng các cấp nếu đơn khiếu nại đó gửi đến cấp ủy, ủy ban kiểm tra trước ngày khai mạc đại hội 25 ngày đối với cấp cơ sở, 30 ngày đối với cấp trên cơ sở trở lên; nếu đơn khiếu nại, kỷ luật đảng gửi đến cấp ủy, ủy ban kiểm tra sau thời hạn nêu trên thì chuyển cho cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy khóa mới xem xét, giải quyết.
Giải quyết tốt tố cáo, khiếu nại, kỷ luật Đảng khâu quan trong để
tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp
Giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật Đảng là công cụ hữu hiệu ngăn chặn sai phạm, tăng cường và giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Thực hiện nghiêm túc, kịp thời công tác giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật Đảng trước đại hội đảng bộ các cấp chính là bước đi cần thiết để giải quyết những vấn đề nội tại làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên; giải quyết những nghi kỵ, uẩn khúc trong dư luận xã hội và nội bộ tổ chức đảng; xây dựng và củng cố đoàn kết trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, phát huy dân chủ, trí tuệ trong tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, mở đường cho việc đề ra những quyết sách đúng đắn, bầu ra cấp ủy đủ phẩm chất, năng lực để lãnh đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội trong nhiệm kỳ mới./.