Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với thành lập Mặt trận Tây Bắc, hoạt động của bộ đội Tây tiến và các đội vũ trang tuyên truyền đã vận động, giác ngộ quần chúng, gây dựng cơ sở. Phong trào cách mạng ở Lai Châu phát triển nhanh chóng, đòi hỏi phải có tổ chức Đảng làm hạt nhân lãnh đạo. Trước yêu cầu cấp thiết đó, ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên khu uỷ 10 quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu - tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đời sống chính trị của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Từ đây, phong trào cách mạng Lai Châu trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng cả nước, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ khi ra đời đến nay, Đảng bộ Lai Châu luôn quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, trong đó xác định công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng là một bộ phận có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động cách mạng của Đảng bộ. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào thời kỳ đấu tranh quyết liệt, để giúp Ban Cán sự trong công tác chỉ đạo được thuận lợi, tháng 5/1952 Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu đã ra Nghị quyết thành lập Liên Ban Tổ chức - Tuyên huấn - Kiểm tra. Sau khi thành lập, Liên ban đã thực hiện ngay nhiệm vụ chính trị của mình là tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân gây dựng cơ sở cách mạng, củng cố chính quyền, phát triển đảng. Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác tư tưởng đã bám sát chủ trương “giải phóng Lai Châu” của Trung ương Đảng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị - tư tưởng, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đoàn kết, hăng hái tham gia đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến trường. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, công tác tư tưởng đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tiến hành giáo dục trong Đảng, trong nhân dân về chính sách dân tộc của Đảng, về nhiệm vụ khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, chống xưng vua, nổi phỉ. Nhờ đó, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh đã có bước phát triển khá. Để phát huy vai trò tham mưu của các bộ phận chuyên môn trong giai đoạn cách mạng mới, ngày 05/2/1963 Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời đã ra Quyết nghị số 01-QN/TU về thành lập các ban đảng của Tỉnh ủy gồm: Ban công tác Nông thôn, Ban Tổ chức, Ban Tuyên huấn. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ban Tuyên huấn đã tích cực tham mưu cho cấp ủy triển khai có hiệu quả công tác tư tưởng - văn hóa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng bộ tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động phòng, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, tích cực tham gia lao động sản xuất với tinh thần “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”… góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắc phục hậu quả chiến tranh, đổi mới tư duy, nhất là tư duy về kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, sau khi chia tách, thành lập (năm 2004), trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn, công tác tư tưởng, văn hóa đã tập trung giáo dục về chính trị, tư tưởng và cổ vũ động viên cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống đoàn kết, khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng Lai Châu ổn định về chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, chủ động nắm bắt, xử lý những tư tưởng mới nảy sinh ngay tại cơ sở và định hướng dư luận, từng bước tạo sự đồng thuận về tư tưởng, thống nhất về ý chí, hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng với các thế hệ cán bộ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lai Châu qua các thời kỳ (ảnh: Việt Hoàng)
Chặng đường 50 năm qua đã khẳng định: Công tác tư tưởng - văn hóa có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, là ngọn cờ giữ vững ý chí, tạo niềm tin và sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Lai Châu vững bước trên con đường cách mạng. Đó là quá trình nỗ lực, hoạt động, đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, thử thách, hy sinh, gian khổ để biến phong trào cách mạng của Lai Châu đi từ không đến có, từ yếu đến mạnh, từ tự phát trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong đồng bào các dân tộc. Đó là ý chí và sức mạnh để trải qua các thời kỳ cách mạng, trong bất cứ hoàn cảnh nào Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ động, sáng tạo phát huy tinh thần cách mạng tiến công. Đó chính là nền tảng sức mạnh tinh thần vững chắc cho bước phát triển của tỉnh trong những năm tiếp theo.
Để phát huy những thành tích đã đạt được trong 50 năm qua, xứng đáng với niềm tin của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thời gian tới công tác tư tưởng - văn hoá cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục nâng cao tính chiến đấu, sắc bén, sức thuyết phục của công tác tư tưởng - văn hóa; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Ðảng; bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Triển khai công tác tư tưởng gắn với từng đối tượng cụ thể; tăng cường tuyên truyền, cổ vũ, động viên các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; phát huy tinh thần sáng tạo, tự lực, tự cường; tạo ra phong trào hành động cách mạng thiết thực của các tầng lớp nhân dân.
Hai là, thường xuyên gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng bộ với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, đối ngoại vừa nhằm theo sát các diễn biến nhanh chóng để kịp thời xử lý giải quyết các tình huống, vừa phải trở thành một thành tố tích cực tác động trực tiếp đến sự phát triển của các lĩnh vực trên. Triển khai sâu rộng nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, thông tin, truyền thông, văn hóa, văn nghệ, thực hiện tốt phương châm thông tin hai chiều, coi trọng thông tin từ dưới lên, hướng về phục vụ cơ sở.
Ba là, thực hiện có chiều sâu, thiết thực và hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Bốn là, chủ động phòng, chống các hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bác bỏ các luận điệu tuyên truyền phản động; làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là các hoạt động lợi dụng tôn giáo tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động di dịch cư tự do, tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”.
Năm là, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ tham mưu của các cơ quan tư tưởng - văn hóa và cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hóa các cấp từ tỉnh đến cơ sở, theo hướng bám sát thực tiễn, rèn luyện năng lực phát hiện nhanh nhạy, sắc bén những vấn đề nảy sinh trong đời sống, từ đó đề xuất được những kiến nghị, giải pháp thích hợp, kịp thời. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn - nghiệp vụ, cán bộ làm công tác tư tưởng - văn hóa phải là những người am hiểu sâu sắc tình hình và có trình độ chuyên môn tốt trên từng lĩnh vực được phân công phụ trách. Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục quan tâm giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến công tác tuyên giáo một cách chủ động, tích cực.
Chúng ta khẳng định rằng, công tác tư tưởng - văn hóa là một khoa học, một nghệ thuật. Để tiếp tục là ngọn cờ giữ vững ý chí, tạo niềm tin và sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng bộ cần tăng cường tính chủ động, thuyết phục, hiệu quả, nâng cao tính chiến đấu, tạo nên sự gắn bó sâu sắc giữa Đảng bộ với nhân dân các dân tộc và thực tiễn tình hình của tỉnh, cùng đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương Lai Châu ngày càng giàu đẹp./.