Phong Thổ nâng cao hệ số sử dụng đất, tăng sản lượng lương thực
Thứ tư - 05/11/2014 20:167530
87,87ha là diện tích lúa mà huyện Phong Thổ mở rộng được để sản xuất 2 vụ trong năm 2014, nâng tổng diện tích lúa 2 vụ toàn huyện lên 607ha. Đây là sự nỗ lực rất lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp đối với 1 huyện biên giới có đặc điểm địa hình chia cắt phức tạp, việc canh tác gặp rất nhiều trở ngại.
Theo thống kê, diện tích đất bằng chưa sử dụng của huyện là 115,94ha, hệ số sử dụng đất lúa mới đạt 17,5%, nguyên nhân do việc đầu tư thâm canh, tăng vụ chưa được quan tâm nhiều; trình độ kỹ thuật và tay nghề của bà con nông dân còn hạn chế; đời sống kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư phân bón, vật tư chưa được bà con chú trọng. Trước thực trạng đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tham mưu cho UBND huyện nhiều giải pháp để nâng cao hệ số sử dụng đất nhằm gia tăng năng suất và sản lượng lương thực, đáp ứng cho nhu cầu tại chỗ.
Giải pháp đầu tiên phục vụ thâm canh, tăng vụ trên diện tích ruộng bậc thang ở vùng cao đó là việc tổ chức rà soát nhu cầu sử dụng, quy hoạch đất đai theo giai đoạn gắn với quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện. Khi đã nắm rõ tình hình, khả năng thực hiện, huyện mới chỉ đạo các xã, thị trấn vận động người nông dân sử dụng tối đa quỹ đất bằng phẳng có đủ nguồn nước tưới tiêu để đưa vào khai hoang ruộng bậc thang. Đến nay, huyện có 159 công trình thủy lợi có thể tưới tiêu toàn bộ diện tích canh tác trên địa bàn. Ông Nguyễn Thế Hải - Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Huyện chỉ tập trung mở rộng diện tích đối với những địa hình có độ cao dưới 800m so với mực nước biển, thuộc các xã vùng cao của huyện như: 1 số bản của xã Hoang Thèn, Nậm Xe, Sì Lờ Lầu, Mù Sang, Vàng Ma Chải, Mồ Sì San và Ma Ly Chải. Nếu mở rộng ở độ cao trên 800m sẽ không kịp thời vụ sản xuất vụ mùa bởi lẽ khi thời tiết lạnh, lúa trổ muộn nên khung thời vụ kéo sẽ dài.
Bà con trong huyện được mùa nhờ tích cực đưa giống lúa mới vào sản xuất
Sở dĩ việc nâng cao hệ số sử dụng đất của huyện đạt hiệu quả bởi lẽ ngoài việc đảm bảo nguồn nước, hệ thống kênh mương kiên cố, Phòng NN và PTNT huyện phối hợp chặt chẽ với Trạm Khuyến nông và Đoàn kinh tế Quốc phòng 356 đóng chân trên địa bàn huyện xuống tận bản cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân từ cách thức ngâm ủ giống cho đến gieo mạ, che phủ nilông chống rét, cấy và theo dõi tình hình sâu bệnh. Cũng nhờ ý thức tích cực của người dân, vụ đông xuân vừa qua dù không được hỗ trợ kinh phí nhưng có đến 70% các hộ đã tự bỏ tiền mua nilong chống rét cho mạ. Bởi vậy, mạ sinh trưởng tốt và nhanh bén rễ khi cấy. Huyện cũng tiến hành ký cam kết với bà con nông dân gieo trồng đúng khung thời vụ để dễ kiểm soát sâu bệnh, phun thuốc phòng trừ và không ảnh hưởng vụ sau. Với 87,87ha lúa 2 vụ được mở rộng thêm, trồng các giống lúa Nghi hương 2308, Nhị ưu 838, Nghi hương 305, Thục hưng 6, năng suất bình quân ước đạt 55,65 tạ/ha, sản lượng đạt 488,98 tấn, thu nhập tăng thêm từ 3 - 3,5 tỷ đồng.
Từ năm 2005 - 2009, trên các cánh đồng xã Mù Sang, Bản Lang, Ma Ly Pho hay Hoang Thèn, dường như người dân "đóng đinh" 1 vụ lúa. Dù nguồn nước dồi dào từ các khe suối đổ về nhưng người dân vẫn "dửng dưng" vì thóc trong nhà vẫn còn. Song từ năm 2010 trở lại, nhận thức "làm đủ để ăn" của bà con đã dần dần thay đổi bởi sự nỗ lực rất lớn trong công tác tuyên truyền, vận động của hệ thống chính trị huyện. Ông Nguyễn Thế Hải nhớ lại: Vụ đông xuân năm 2012, huyện thực hiện thí điểm vụ 2 ở bản Hoang Thèn (xã Vàng Ma Chải) nhưng không một người dân nào tin tưởng mô hình. Đích thân cán bộ của Trạm Khuyến nông, Phòng NN và PTNT, cán bộ chiến sỹ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 356 phải xuống tận ruộng gieo mạ, cấy toàn bộ diện tích làm thí điểm (2ha) giống như "trình diễn" cho bà con xem. Năm đầu tiên, năng suất lúa đạt 7,1 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa mùa. Mắt thấy, tai nghe, từ vụ sau trở đi, huyện không tốn 1 công tuyên truyền nào, bà con tự giác nhận giống về và làm theo các quy trình như đã được chứng kiến. Nay Hoang Thèn đã "thoát" ra khỏi nguồn hỗ trợ và trồng đại trà lúa vụ 2. Xã Ma Ly Chải tuy không thuộc diện thí điểm mô hình tăng vụ song nhìn thấy hiệu quả từ bản Hoang Thèn, nông dân khu vực lân cận cũng chủ động mua giống về trồng, từ đó, lan rộng và hình thành phong trào trồng lúa 2 vụ. Tại xã Nậm Xe, vụ đông xuân vừa qua là năm thứ 2 thực hiện trồng lúa 2 vụ trên tổng diện tích là 60ha.
Cải tiến được thói quen sản xuất lúa của người dân, vụ đông xuân 2014 - 2015 tới huyện đang triển khai Đề án cánh đồng tập trung trên diện tích khoảng 30ha tại cánh đồng Mường So với 2 loại giống Tẻ râu và PC6. Huyện cũng đưa ra hướng mở, để cho bà con tự thống nhất chọn 1 trong 2 loại giống trên để đưa vào gieo trồng. 3 năm đầu bà con được hỗ trợ giống, sau đó sẽ tiến hành trồng đại trà. Đây là cách để huyện Phong Thổ hướng tới sản xuất lương lực có giá trị kinh tế cao, nâng mức thu nhập cho người dân./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế