Tam Đường là huyện được thành lập trên cơ sở chia tách từ huyện Phong Thổ từ ngày 14/01/2002. Trải qua 15 năm phấn đấu nỗ lực không ngừng Tam Đường đã được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.
Huyện Tam Đường được chia tách thành lập theo Nghị định 08/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Ngày 21/9/2002, huyện Tam Đường ra mắt và chính thức đi vào hoạt động. Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính huyện, chia tách các xã, thị trấn, đến nay, huyện Tam Đường có diện tích tự nhiên 68.452,38 ha, toàn huyện có 14 xã, thị trấn, với 156 bản, gồm 12 dân tộc, trên 5,5 vạn người
Ngay từ khi mới chia tách,Tam Đường phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức: Nền kinh tế có xuất phát điểm thấp, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé manh mún, hạ tầng kinh tế, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn còn thiếu và yếu.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối kết hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của các Sở, ban, ngành đoàn thể tỉnh; cấp ủy chính quyền nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường xác định việc chia tách, thành lập huyện là mốc lịch sử quan trọng, là tiền đề, điều kiện để tranh thủ những thời cơ, vận hội vượt qua những khó khăn, thách thức, khai thác triệt để những tiềm năng thế mạnh của địa phương hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị đề ra, xây dựng huyện nhà phát triển, trưởng thành. Trải qua 15 năm từ khi chia tách, thành lập đến nay, Tam Đường đã có bước phát triển khá toàn diện
Kinh tế phát triển ổn định, có bước tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 21 triệu đồng, tăng 17 triệu đồng so với năm 2002; bình quân lương thực đầu người 727 kg/người/năm, tăng 415 kg so với năm 2002. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và phát triển toàn diện. Tổng giá trị sản xuất đến nay đạt 1.997,6 tỷ đồng, trong đó Nông, lâm nghiệp, thủy sản 37,4% (giảm 3,18%); công nghiệp, xây dựng 26,9% (giảm 9,85%); thương mại, dịch vụ 35,7% (tăng 13,62%).
Sản xuất nông, lâm nghiệp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tăng cường đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới năng suất cao vào sản xuất. Đến nay trên địa bàn huyện có 8.977,5 ha gieo trồng cây lương thực, diện tích cây lương thực 2 vụ tăng lên (có 755 ha lúa thâm canh 2 vụ) tổng sản lượng lương thực đạt trên 39 nghìn tấn tăng gần 24 nghìn tấn so với năm 2002; Chăn nuôi gia súc, gia cầm được quan tâm tập trung chỉ đạo thực hiên. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6 - 7%/năm, tổng đàn gia súc trên địa bàn 60 ngìn con, tăng trên 22 ngìn con so với năm 2002.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc, toàn huyện hiện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 12,23 tiêu chí/xã. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực; hoạt động dịch vụ, du lịch có bước phát triển mạnh. Sáu tháng đầu năm 2017, lượt khách du lịch đến địa bàn huyện ước đạt trên 33.000 người, doanh thu trên 9 tỷ đồng (tăng 30.000 lượt khách so với cả năm 2002). Cơ sở hạ tầng từng bước được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm đầu tư đồng bộ. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, 92,9% đường nội bản, đường trục bản được cứng hóa đi lại thuận tiện trong 4 mùa; 100% xã, thị trấn, 96% số bản, 94% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 98,5% số hộ nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó: Sự nghiệp giáo dục đào tạo được quan tâm, quy mô trường lớp ngày càng được mở rộng, chất lượng giáo dục có sự chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn huyện có 46 trường, 01 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; 01 Trung tâm bồi dưỡng chính trị, với trên 16.500 học sinh, đã có 20 trường đạt chuẩn quốc gia, (tăng 20 trường so với năm 2002). Công tác y tế chăm sóc sức khỏe công đồng luôn được quan tâm thường xuyên, đến nay có 5,3 bác sỹ trên vạn dân, 100% bản có y tá, 9/14 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đem lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, có 119/156 bản được công nhận làng bản văn hoá, tăng 94 bản so với năm 2002; 8.952 gia đình văn hóa, 113/117 cơ quan đơn vị, trường học văn hóa
Công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình có công với cách mạng, các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội được quan tâm chăm lo giải quyết kịp thời. Đến nay, huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm 6%. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, góp ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vững chắc chế độ xã hội chủ nghĩa.
Hệ thống tổ chức Đảng không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, từ ngày đầu chia tách, thành lập, huyện chỉ có 15 tổ chức cơ sở đảng với 423 đảng viên. Sau 15 năm, đến nay Đảng bộ huyện có 41 tổ chức cơ sở đảng (19 đảng bộ, 22 chi bộ); 260 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, 2.450 đảng viên, tăng 2.027 đảng viên so với năm 2002; 100% bản, trạm Y tế, trường học có Chi bộ. Hàng năm có trên 50% tổ chức cơ sở đảng đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, trên 90% tổ chức hoàn tốt nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở không ngừng được nâng lên về chất lượng, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Với những thành tích xuất sắc đã đạt được trong 15 năm xây dựng và phát triển; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởn cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng: 01 Huân chương lao động hạng nhất, 01 huân chương lao động hạng nhì; 06 tập thể được Chính phủ tặng Cờ thi đua; 13 tập thể và 11 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 42 tập thể được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua; 154 tập thể, 939 cá nhân được UBND tỉnh tặng Bằng khen, 223 tập thể được UBND tỉnh tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, 50 chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 02 tập thể và 04 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng 3.
Tự hào về một chặng đường vẻ vang đã qua, rút ra những kinh nghiệm quý báu trong công tác lãnh đạo, trong thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tam Đường tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo; tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo bước chuyển biến tích cực trong quản lý Nhà nước và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; xây dựng Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX đã đề ra: Đến năm 2020 huyện Tam Đường trở thành huyện phát triển khá trong tỉnh./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế