Đảng bộ Tân Uyên tập trung lãnh đạo phát triển vùng nguyên liệu chè gắn với công nghiệp chế biến
Thứ tư - 24/07/2013 21:368260
Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với phát triển cây chè, Đảng bộ Tân Uyên xác định cây chè là cây trồng chủ lực để tạo ra bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến và đã đạt được những kết quả quan trọng.
Hiện nay huyện Tân Uyên có 1.240,4 ha chè, trong đó có 937 ha chè kinh doanh, năng suất trung bình toàn huyện đạt xấp xỉ 9 tấn búp tươi/ha/năm (561 ha có năng suất trung bình trên 10 tấn/ha; 367 ha có năng suất từ 5-9 tấn/ha; 183 ha có năng suất dưới 5 tấn/ha). Thực tiễn trong những năm vừa qua cho thấy, cây chè đã tạo được nhiều việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, nhất là đối với đồng bào tái định cư công trình thủy điện Bản Chát, nhiều hộ gia đình đã làm giàu được từ sản xuất chè. Sản phẩm chè là mặt hàng xuất khẩu chính của huyện. Sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu chè đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo bước chuyển dịch sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Từ thực tế đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tân Uyên khóa XVI, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã ban hành nghị quyết chuyên đề số 05-NQ/HU, ngày 27/5/2011 về phát triển vùng chè nguyên liệu giai đoạn 2011 – 2015, với mục tiêu đến năm 2015 diện tích chè kinh doanh của huyện đạt 1.250 ha, trong đó có 1.150 ha chè có năng suất ổn định trung bình 9 tấn/ha/năm. Để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, đảm bảo nguồn nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến, Huyện ủy Tân Uyên đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND huyện, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên và cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thông qua việc xây dựng, bàn hành nghị quyết, kế hoạch hàng năm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; phát huy vai trò tuyên truyền vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở để nhân dân nắm, hiểu được các chủ trương, chính sách phát triển vùng nguyên liệu chè, từ đó tạo được niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân trong tổ chức triển khai thực hiện. Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Công ty Cổ phần Trà Than Uyên tổ chức quy hoạch vùng trồng mới chè theo hướng tập trung, liền vùng, liền khoảnh tại thị trấn Tân Uyên, xã Phúc Khoa, Thân Thuộc, Trung Đồng; chỉ đạo chuyển đổi một phần diện tích đất lâm nghiệp đã quy hoạch trồng rừng sản xuất, đất nương rẫy và diện tích chè kém chất lượng nằm trong vùng quy hoạch sang trồng chè chất lượng cao. Chú trọng việc kết hợp các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng vùng chè phục vụ sản xuất như: đường sản xuất, nhà tập kết nguyên liệu, bể nước phục vụ phun thuốc sâu…đảm bảo thuận lợi trong khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trên cơ sở điều kiện đất đai, khí hậu, nhu cầu của thị trường và định hướng phát triển, kinh doanh của Công ty cổ phần Trà Than Uyên, huyện đã chỉ đạo đưa các giống chè chất lượng cao như: chè Kim Tuyên, PH8…vào trồng, trong đó ưu tiên sử dụng giống chè Kim Tuyên. Trong công tác hỗ trợ người trồng chè, bao tiêu sản phẩm, huyện chỉ đạo Công ty Cổ phần Trà Than Uyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cho các hộ gia đình trồng chè mới, các hộ gia đình chưa ký hợp đồng tiếp tục ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Trà Than Uyên nhằm rằng buộc trách nhiệm, đảm bảo lợi ích giữa người trồng chè với Công ty như: Tập huấn cho các hộ trồng chè về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, cho vay vật tư chăm sóc chè, thu mua bao tiêu sản phẩm, người dân cam kết bán sản phẩm cho Công ty Cổ phần Trà Than Uyên. Đảng bộ huyện tập trung sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ, đổi mới dây chuyền công nghệ, đa dạng chủng loại sản phẩm chè chất lượng cao. Đồng thời chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm chè Shan tuyết Tân Uyên ở trong và ngoài nước.
Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, việc sản xuất chế biến chè trên địa bàn huyện trong những năm vừa qua đã thu được những kết quả tích cực. Trong 02 năm 2012 – 2013, toàn huyện đã trồng mới được 120,2 ha chè, vượt chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao hàng năm và đạt 92,5% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVI nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra; 100% diện tích chè trồng mới sử dụng giống có năng suất, chất lượng cao, trong đó có 26,2 ha chè PH8, 94 ha chè Kim Tuyên. Năm 2012 huyện triển khai trồng chè tại bản Chạm Cả, Huổi Luồng của thị trấn Tân Uyên bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, đây là 2 bản người dân tộc Khơ Mú, nhận thức của người dân hạn chế, tỷ lệ nghèo cao, người dân không muốn nhận đất, không tham gia trồng chè, huyện đã kiên trì tuyên truyền, vận động, khi nhân dân đã tham gia trồng chè huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Công ty Cổ phần Trà Than Uyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, cung ứng cây giống, phân bón cho nông dân, huy động lực lượng cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên hỗ trợ nông dân làm đất, trồng chè, kết quả nhân dân 2 bản Chạm Cả, Huổi Luồng đã trồng mới được 30,1 ha (trong đó có 17,2 ha chè Kim Tuyên, 12,9 ha chè PH8). Đến nay sau hơn 1 năm trồng (trồng tháng 5/2012) cây chè phát triển tốt, một số diện tích đã cho thu hái lứa sản phẩm đầu tiên, chè kim tuyên có giá bán 10.000 đồng/1 kg búp tươi, nhân dân rất phấn khởi, tích cực chăm sóc chè. Việc phát triển mở rộng diện tích chè đã nâng tổng số hộ tham gia trồng chè trên địa bàn huyện lên khoảng 1.200 hộ (tăng hơn 200 hộ so với năm 2011), với diện tích chè hiện có đã tạo việc làm cho khoảng 3.500 lao động với trên 250.000 công lao động (một năm) tham gia thu hái, chăm sóc chè; công thu hái, chăm sóc chè cho lao động thời vụ trung bình đạt 100.000 đồng/ngày; thu nhập trung bình của người trồng chè năm 2012 đạt từ 3 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2012, toàn huyện thu hái đạt 9.713,7 tấn búp chè tươi, tăng 363,7 tấn so với năm 2011, tăng 863,7 tấn so với năm 2009; sáu tháng đầu năm 2013, toàn huyện thu hái được 4.300 tấn chè búp tươi. Công ty Cổ phần trà Than Uyên thực hiện đầu tư lắp đặt mới dây chuyền sản xuất chè San tra với công suất 16 tấn chè tươi/ngày nhằm đa dạng sản phẩm chè đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Doanh thu từ tiêu thụ sản phẩm năm 2012 đạt 69.425 triệu đồng, tăng 29.637 triệu đồng so với năm 2009. Trong 03 năm qua, Công ty Cổ phần trà Than Uyên đã xuất khẩu được 1.133,7 tấn chè búp khô sang thị trường các nước Pakistan, Apganistan, giá trị hàng xuất khẩu đạt gần 2,4 triệu USD.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được thì việc việc phát triển mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư thâm canh gắn với công nghệ chế biến cũng còn một số hạn chế như: Việc trồng chè tái canh theo lộ trình của đề án phát triển vùng chè nguyên liệu vẫn chưa thực hiện được; diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP mới đạt 105 ha, chiếm trên 11% diện tích chè kinh doanh của huyện; hạ tầng vùng chè được quan tâm đầu tư tuy nhiên còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, nhiều vùng chè tập trung chưa có đường bê tông hoặc rải cấp phối, chủ yếu là đường đất nên ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai áp dụng cơ giới hóa vào đầu tư chăm sóc, thâm canh, phòng trừ sâu bệnh, vận chuyển, thu hái sản phẩm; một số diện tích chè đã trồng những năm trước đây song còn bị hoang hóa (xã Pắc Ta); dây chuyền công nghệ chế biến đã được quan tâm đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tuy nhiên chưa đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị không cao.
Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Tân Uyên xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của tỉnh, huyện về phát triển vùng chè nguyên liệu để nhân dân nắm và hiểu được nhằm tạo sự đồng thuận và thông suốt giữa cấp ủy chính quyền các cấp với nhân dân trong triển khai thực hiện. Thực hiện tốt công tác khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất với mục tiêu, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn. Trên cơ sở đó để chủ động về giống, vật tư, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Thực hiện tốt quy chế quản lý vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, bảo đảm chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người nông dân với doanh nghiệp. Tiếp tục coi trọng công tác đầu tư thâm canh tăng năng suất đi đôi với nâng cao chất lượng sản phẩm chè, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản lý chất lượng từ khâu chăm sóc thu hái sản phẩm chè tươi đến khâu chế biến chè thành phẩm, tiếp tục mở rộng diện tích chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chè hữu cơ, hiện đại hóa dây chuyền công nghệ chế biến, tạo được sản phẩm chè sạch, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường. Tập trung xây dựng thương hiệu chè Shan tuyết Tân Uyên, đẩy mạnh xúc tiến thương mai, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, coi trọng thị trường xuất khẩu trực tiếp sản phẩm, coi đây là yếu tố then chốt có tính quyết định đến ổn định sản xuất, nâng cao lợi nhuận sản xuất, tăng thu nhập cho người trồng chè và doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế