Làm việc với đoàn công tác về phía huyện Tân Uyên có các đồng chí: Bùi Huy Phương - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; Nguyễn Thanh Văn - Chủ tịch UBND huyện; Lê Thanh Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đại diện lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn huyện.
Tại buổi làm việc, UBND huyện đã báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu sản xuất nông, lâm nghiệp 6 tháng đầu năm. Theo đó, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực đạt trên 2.680 ha, sản lượng lương thực đạt trên 14 nghìn tấn. Tổng diện tích chè toàn huyện 3.152,4 ha. Chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện nay có 5 nhà màng, nhà lưới với diện tích 0,62 ha trồng các loại dưa leo baby, cà chua socola, chery, dưa lưới. Chăn nuôi được đẩy mạnh, tổng đàn gia súc gia cầm 253.145 con...
Huyện đã định hướng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng sản xuất lúa hàng hoá đặc sản tập trung Séng cù, Khẩu ký, Khẩu Hốc, nếp tan Co Giàng đạt khoảng 1.000 ha. Đồng thời, phát triển mở rộng thêm 420 - 600 ha chè tại các xã: Mường Khoa, Thân Thuộc, Pắc Ta, Nậm Sỏ, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Nậm Sỏ với quy mô 450-500 ha gắn với xây dựng 1 nhà máy chế biến.
Về Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Hiện nay huyện trồng mới 58,3 ha cây dược liệu gồm các loại cây: Nghệ đen, Cát cánh, Hà thủ ô đỏ, Bảy lá 1 hoa, Gừng, Sa nhân tím. Thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020-2025, đến nay, huyện đã có 9/9 xã đạt nội dung các tiêu chí nông thôn mới, thị trấn đạt tiêu chuẩn văn minh đô thị. Hiện có 2 xã Nậm Cần và xã Phúc Khoa đã xây dựng kế hoạch thực hiện xã NTM nâng cao, các mô hình, bản NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch thực hiện trong năm 2021.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện các nghị quyết, chính sách, đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh trên địa bàn huyện. Đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cần sớm có hướng dẫn ban hành định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chuẩn giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh để huyện có cơ sở thực hiện các nghị quyết. Nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng chưa được bộ NN&PTNT công bố lưu hành.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Trọng Hải - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết, chính sách, đề án về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị: Đối với các đề án, chính sách đã ban hành liên quan đến phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung và phát triển rừng bền vững; xây dựng NTM gắn với du lịch nông thôn; phát triển một số cây dược liệu; phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới, huyện cần rà soát lại các nguồn đã phân bổ để điều chỉnh cho hợp lý và đăng ký bổ sung thêm. Đối với các chính sách mới ban hành có chương trình cụ thể của cấp ủy, kế hoạch chi tiết trong 5 năm và từng năm. Tiếp tục triển khai các giải pháp thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch…