Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công". Vì vậy, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; đổi mới nâng cao hiệu quả công tác dân vận.
Nắm ở cửa ngõ, phía Nam của tỉnh Lai Châu, với 10 dân tộc cùng chung sống, quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh những năm qua Đảng bộ huyện Than Uyên luôn coi trọng công tác dân vận. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp, công tác dân vận được triển khai đồng bộ, từng bước có sự đổi mới và bằng nhiều biện pháp phù hợp với từng vùng, từng đối tượng.
Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường cán bộ xuống cơ sở thực hiện “ba cùng”, “bốn cùng” với Nhân dân, vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vừa nắm bắt tình hình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; đặc biệt đã duy trì và thực hiện nghiêm túc việc tiếp xúc và đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước với Nhân dân, kịp thời giải quyết, xử lý những boăn khoăn, vướng mắc và kiến nghị chính đáng của người dân. Cùng với đó, phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở trong mọi mặt đời sống xã hội, tạo niềm tin trong Nhân dân.
Để có sự thống nhất trong công tác dân vận và kịp thời xử lý, giải quyết những vần đề nảy sinh tại cơ sở, Huyện ủy đã chỉ đạo Ban dân vận Huyện ủy, phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huyện hướng dẫn tổ chức và duy trì việc giao ban khối dân vận giữa cấp ủy cơ sở với Thường trực Hội đồng nhân dân, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trân Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở; hướng dẫn xây dựng kế hoạch dân vận hằng năm. Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, triển khai sâu rộng công tác dân vận trong hệ thống chính trị, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát và sinh hoạt chi bộ.
Công tác dân vận chính quyền được quan tâm chỉ đạo có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp các ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật; chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thực hiện có hiệu quả phong trào “cán bộ, công chức, viên chức thi đua xây dựng văn hóa công sở” gắn với thực hiện phong cách “Trọng dân, học dân, hiểu dân và có trách nhiệm với Nhân dân”, “nói đi đôi với làm”. Quy chế dân chủ cơ sở được triển khai thực hiện nghiêm túc.
Phong trào dân vận khéo được cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai sâu rộng gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và 5 năm qua (2015 - 2020) toàn huyện đã có 179 lượt tập thể, 700 lượt cá nhân được công nhận có mô hình điển hình “Dân vận khéo”, trong đó có 72 lượt tập thể, 228 lượt cá nhân được các cấp khen thưởng.
Kết quả công tác dân vận đã có những đóng góp quan trọng vào củng cố niềm tin của Nhân dân các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và chế độ, phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ; đặc biệt đã tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc thay đổi nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng ỷ lại trông chờ, thay đổi thói quen sản xuất cũ, lạc hậu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống. Đến nay huyện đã có 7/11 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, tạo thành chuỗi liên kết, như vùng lúa đặc sản Séng cù với diện tích 520 ha, vùng chè trên 1.300 ha và hàng trăm ha cây ăn quả, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại... đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điểm nổi bật trong công tác dân vận của huyện Than Uyên là đã làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đẩy lùi những hủ tục, lạc hậu, nhất là trong đồng bào dân tộc Mông. Trên cơ sở thực hiện thí điểm và tổng kết thấy hiệu quả đến nay toàn huyện đã tổ chức cho đồng bào dân tộc Mông các bản ký cam kết xây dựng và thực hiện “nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông”, qua đó góp phần xóa bỏ một số hủ tục lạc hậu như: tục thách cưới; tảo hôn, tang ma... và phòng, chống việc lợi dụng tôn giáo tuyên truyền đạo trái pháp luật trong đồng bào, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, Đảng bộ Than Uyên cũng chỉ rõ công tác dân vận của huyện cũng còn những hạn chế cần khắc phục. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở có lúc, có việc chưa nhận thức đầy đủ về công tác dân vận; việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, thực hành dân chủ trong triển khai một số chủ trương chính sách phát triển kinh tế - xã hội có mặt còn hạn chế; một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thực sự gương mẫu, chưa tích cực rèn luyện, tu dưỡng, chưa tạo được niềm tin trong Nhân dân...
Để khắc phục những hạn chế trên, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng bộ huyện xác định: Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cấp, các ngành về vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận đối với công cuộc xây dựng và phát triển của địa phương, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền, dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nêu cao trách nhiệm, nghĩa vụ trong thực hành dân chủ gắn với “Dân vận khéo” của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và chiến sỹ lực lượng vũ trang; xây dựng các mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, giải quyết kịp thời đơn thư, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Minh bạch mọi chính sách liên quan đến người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chú trọng kiểm tra, giám sát, khắc phục những vấn đề, thủ tục không phù hợp theo quy định của pháp luật gây khó khăn, phiền hà cho Nhân dân. Tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện công tác dân vận của hệ thống chính trị; thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác dân vận của các cấp, các ngành, coi đay là tiêu chí để đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở, đơn vị hằng năm, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thi đua “Dân vận khéo” trong hệ thống chính trị; tiếp tục quan tâm giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân; tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội; xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân; thường xuyên nắm và đề xuất, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Quan tâm chăm lo đào tạo, bối dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới.
Cấp ủy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm xây dựng kế hoạch công tác dân vận, xác định rõ nội dung, phương thức, quy trình, phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân vận gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương./.