Hội nghị trực tuyến bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường
Thứ sáu - 19/04/2019 04:449420
Sáng 17/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường. Đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị. Dự hội nghị trực tuyến có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc.
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Tẩn Mí Khé - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo; hiệu trưởng, hiệu phó các trường ở các cấp học trên địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh dự hội nghị ở đầu cầu các huyện. Toàn quốc có 19.980 đại biểu tham dự hội nghị này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phùng Xuân Nhạ Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: việc phòng, chống bạo lực học đường thời gian qua đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm và có nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn gia tăng, bởi vậy, tại Hội nghị các đại biểu cần quan tâm thảo luận và đưa ra các giải pháp thiết thực để “phòng hơn là chống”; cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe; trách nhiệm liên quan tới các cơ sở đào tạo giáo viên trong việc tập huấn, đào tạo kiến thức, kỹ năng về tâm lý giáo dục, nghiệp vụ sư phạm để các nhà giáo không chỉ truyền tải kiến thức mà còn cả kỹ năng sống cho các em; trách nhiệm của lãnh đạo các nhà trường trong việc tìm ra các giải pháp giảm thiểu bạo lực học đường...
Hội ngh đãị có 18 ý kiến tham gia trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp giảm thiểu bạo lực học đường hiện nay tại các trường ở các cấp học trên địa bàn toàn quốc, trong đó các đại biểu tập trung nêu bật những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường hiện nay là do tác động của kinh tế thị trường; sự bùng nổ internet và thông tin xấu độc trên mạng xã hội; việc giáo dục nhân cách cho học sinh trong gia đình và nhà trường, một số địa phương chưa thực sự quan tâm trong việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học; nhà giáo thiếu mẫu mực trong ứng xử;… Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 25 văn bản về phòng, chống bạo lực học đường. Các văn bản chỉ đạo đã đưa ra các giải pháp thiết thực, cụ thể như: thiết lập đường dây nóng phát hiện xử lý nhanh các vụ việc xảy ra; rà soát, có giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ học sinh có nguy cơ bị bạo lực; ngăn ngừa từ xa tình trạng bắt nạt và bị bắt nạt; thực hiện cam kết giữa các gia đình với nhà trường trong việc phối hợp ngăn ngừa tình trạng bạo lực học đường... Tuy nhiên, theo các đại biểu thì tình trạng bạo lực học đường diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam có khoảng 22% trẻ từ 13-15 tuổi tham gia các cuộc ẩu đả, con số này ở nhiều nước là 30-40%.
Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các nhà trường cần tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện giải pháp đảm bảo an ninh an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống bạo lực học đường; lãnh đạo các sở thực hiện nghiêm túc chủ trương của ngành, đình chỉ đứng lớp đối với những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo; đề nghị truyền thông tiếp tục đồng hành cùng với ngành Giáo dục, kịp thời phát hiện những vụ việc vi phạm đạo đức, nhân cách nhà giáo; đẩy mạnh tuyên truyền những tấm gương, mô hình tốt trong thực hiện phòng, chống bạo lực học đường; tăng cường giáo dục kỹ năng sống tại các cấp học.../.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế