Hội nông dân tỉnh: Hội thảo canh tác lúa cải tiến SRI
Chủ nhật - 09/10/2016 05:169040
Ngày 07/10, Ban quản lý dự án “Biến đổi khí hậu và đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam” (BĐKH&ĐBDTTS) tại Lai Châu giai đoạn 2012 - 2017 của Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Canh tác lúa cải tiến SRI - thuận lợi, khó khăn, hiệu quả thực tế và giải pháp nhân rộng” tại bản Huổi Hán (xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ).
Tham gia buổi Hội thảo có lãnh đạo Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân - Hội Nông dân tỉnh; đại diện tổ chức Phát triển Nông nghiệp Châu Á, Đan Mạch (ADDA); đại diện Ban quản lý Dự án “BĐKH&ĐBDTTS phía Bắc Việt Nam”, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNaurre); giảng viên Khoa Nông lâm Trường Đại học Tây Bắc; đại diện UBND, Hội Nông dân, Cán bộ khuyến nông các huyện: Phong Thổ, Tam Đường và Thành Phố Lai Châu và các hộ tham gia mô hình.
Dự án “BĐKH&ĐBDTTS phía Bắc Việt Nam” do Tổ chức ADDA phối hợp với PanNaurre và đối tác địa phương triển khai tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu, thời gian thực hiện trong 3 năm (từ 2014 - 2017). Dự án nhằm mục đích hỗ trợ các cộng đồng nông dân ở địa bàn miền núi Tây Bắc cải thiện khả năng tiếp cận thông tin về các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường ảnh hưởng đối với việc hoạch định chính sách và lập kế hoạch quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết các vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và giảm nghèo tại địa phương. Tại địa bàn tỉnh Lai Châu, dự án được triển khai tại 07 xã, phường, thị trấn: xã Bình Lư, Hồ Thầu, Thị trấn Tam Đường (huyện Tam Đường); Phường Tân Phong, Quyết Thắng (thành phố Lai Châu) và xã Nậm Xe, Bản Lang (huyện Phong Thổ) có tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng.
Hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI là hệ thống thâm canh lúa cải tiến theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất cho người nông dân bằng việc giảm lượng giống gieo, phân bón. Mô hình “Canh tác lúa cải tiến SRI” tại bản Huổi Hán (xã Nậm Xe) được triển khai từ tháng 7/2016, với diện tích trồng thử nghiệm là 2.000m2, sử dụng giống Nghi hương 2308. Trong quá trình triển khai mô hình người dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón và kỹ thuật, với lượng giống gieo 2kg/2.000m2 người dân làm theo hướng dẫn đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật của SRI. Đến nay, lúa ở vùng diện tích thực hiện mô hình đã cho đánh giá, năng suất ước đạt 7 tấn/1ha.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được tham quan, nghe báo cáo kết quả thực hiện mô hình, được giới thiệu các kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI và tập trung phân tích, đánh giá thuận lợi, khó khăn khi triển khai mô hình từ khâu chuyển giao kỹ thuật, áp dụng sản xuất thực tế, ưu điểm vượt trội của phương pháp và kết quả đạt được. Theo đánh giá, phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, đó là giảm lượng giống sản xuất, lượng thuốc bảo vệ thực vật, công lao động và tiết kiệm lượng nước tưới, tăng năng suất lúa từ 2 - 4 tấn/ha./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế