Kết thúc năm học 2017 - 2018, 75 xã đặc biệt khó khăn (theo Đề án) có 265 trường, giảm 7 trường; 3.754 lớp, giảm 120 lớp; 85.431 học sinh, tăng 4.870 em so với kết thúc năm học 2015-2016; có 7.653 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao. Tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên, nhất là những giáo viên còn yếu về chuyên môn; trong đó, tập trung đi sâu vào nghiên cứu từng bài dạy, lựa chọn nội dung kiến thức trọng tâm và tổ chức hoạt động dạy học phù hợp với nhận thức học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay, tỷ lệ nhà giáo là đảng viên đạt 41,5% tăng 1,5% so với năm học 2015-2016; nhà giáo biết một thứ tiếng dân tộc 52,6% tăng 13,5%; giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm 2018 đạt 75,5% số lượng giáo viên dự thi.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt Đề án nên nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn chuyển biến rõ nét; tích cực huy động học sinh ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần. Quan tâm thực hiện tốt công tác nội trú, bán trú theo phương châm "ba tập trung" như có nhà ở tập trung cho học sinh, ăn tập trung và quản lý tập trung; đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các phòng ở bán trú và công trình phụ trợ; tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, dạy học phân hóa theo đối tượng, hướng dẫn học sinh lao động nhằm giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, góp phần thu hút học sinh đến trường và ở lại trường học.
Chủ động, sáng tạo trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt chỉ đạo ban hành khung nội dung, chương trình dạy học dành riêng cho học sinh có học lực trung bình và yếu, kém nhằm từng bước nâng chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh dạy học theo chủ đề trong đó giao quyền tự chủ về nội dung, chương trình, biên chế thời gian năm học... cho các cơ sở giáo dục. Áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực như sử dụng bản đồ tư duy, các sơ đồ, biểu bảng và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Đổi mới hoạt động tổ chức dạy học phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh các trường vùng đặc biệt khó khăn như tạo không khí lớp học nhẹ nhàng, giáo viên gợi mở, dẫn dắt tìm hiểu kiến thức theo lối gần gũi, dễ hiểu, khuyến khích động viên học sinh yếu tự tin tham gia học tập.
Tích cực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Ngành Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học; kiểm tra và đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh và thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường có chất lượng giáo dục thấp, qua đó thúc đẩy chất lượng học tập, rèn luyện của học sinh vùng đặc biệt khó khăn có bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt đã chú trọng đánh giá trong quá trình dạy học như đánh giá trên lớp; đánh giá bằng hồ sơ; đánh giá bằng nhận xét; tăng cường hình thức đánh giá thông qua bài thuyết trình; kết hợp kết quả đánh giá trong quá trình giáo dục và đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học. Kết thúc năm học 2017-2018, chất lượng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông có 35/36 chỉ tiêu tăng so kết thúc năm học 2015-2016.
Huy động, lồng ghép các nguồn lực, chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn xã hội hóa tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học phù hợp điều kiện thực tế và theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch,... Quy hoạch, giao đất cho các trường đạt chuẩn quốc gia gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết thúc năm học 2017-2018, các trường thuộc 75 xã đặc biệt khó khăn có tổng số 4.353 phòng học, tăng 555 phòng (lũy kế).
Ưu tiên kinh phí, tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tăng cường kiểm tra, tư vấn những xã có kết quả đạt chuẩn thấp nhằm duy trì, giữ vững kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Đến nay, 75/75 xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 trở lên, trong đó 8 xã duy trì đạt chuẩn mức độ 2. Thực hiện tốt công tác phân luồng, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở vùng đặc biệt khó khăn. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục, xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia theo kế hoạch. Đến nay, đã có 42/265 trường vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 15,8%.
Để đẩy nhanh việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó, tỉnh đã quan tâm ban hành các chính sách đặc thù như chính sách hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn tập trung cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ở bán trú tại các cơ sở giáo dục công lập; quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh từ năm học 2016 - 2017 đến hết năm học 2020 - 2021. Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên vùng đặc biệt khó khăn, cấp ủy, chính quyền các cấp đã và đang tạo điều kiện đất ở, nhà ở đối với cán bộ quản lý, giáo viên ở vùng đặc biệt khó khăn, từng bước hỗ trợ cán bộ, giáo viên ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Hỗ trợ chi phí học tập đáp ứng nhu cầu sách giáo khoa, giấy vở viết cho học sinh; hỗ trợ tổ chức nấu ăn nuôi dưỡng học sinh bán trú...
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện Đề án vẫn còn những hạn chế như việc quản lý, chỉ đạo và thực hiện các chương trình, kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục ở một số chính quyền xã, đơn vị trường học chưa thật quyết liệt. Một số đơn vị giáo dục triển khai thiếu đồng bộ, chưa linh hoạt trong việc biên chế thời gian năm học và tổ chức các hoạt động giáo dục. Một số ít cán bộ quản lý, giáo viên yếu về kiến thức chuyên môn, chậm đổi mới phương pháp dạy học. Kết thúc năm học 2017 - 2018 còn 8 trường trung học cơ sở tỷ lệ bỏ học cao hơn mặt bằng chung vùng đặc biệt khó khăn từ 1% - 5% và 6 trường trung học cơ sở có xếp loại học lực từ trung bình trở lên thấp hơn mặt bằng chung vùng đặc biệt khó khăn từ 4% - 9%. Dự kiến đến năm 2020, có 5/55 chỉ tiêu khó có khả năng đạt và 3/55 chỉ tiêu về trường chuẩn quốc gia chưa đạt theo tiêu chí cũ. Hệ thống các công trình phục vụ cho công tác nuôi dưỡng, sinh hoạt của học sinh bán trú, còn thiếu chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu; các hoạt động bán trú của một số trường chưa đa dạng, chưa gắn với tâm lý lứa tuổi và rèn kỹ năng sống cho học sinh.
Nguyên nhân do 75 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng cao, vùng sâu, biên giới, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, dân cư phân bố không đều, trở ngại lớn cho việc bố trí xây dựng trường, lớp. Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều; cơ sở vật chất trường, lớp chưa đáp ứng được nhu cầu; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều học sinh vừa đi học vừa phải tham gia lao động nên đi học không chuyên cần, dẫn đến học yếu, kém, chán học và bỏ học. Nhận thức của nhân dân về việc đi học ở một số vùng còn hạn chế (vùng dân tộc Mảng, La Hủ...). Số lượng giáo viên Tiếng Anh được tuyển không đủ so với chỉ tiêu biên chế do không có nguồn tuyển dụng; cơ sở vật chất trường, lớp học một số nơi còn khó khăn. Việc tham mưu, phối hợp của một số trường với cấp ủy chính quyên địa phương về huy động học sinh ra lớp, duy trì sỹ số tuy đã có sự đổi mới nhưng thực hiện thiếu đồng bộ và chưa quyết liệt. Cán bộ quản lý và giáo viên ở một số trường năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện tăng cường tiêng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiếu số ở một số trường chưa quyết liệt. Tổ chức các hoạt động bán trú có thời điểm hiệu quả chưa cao ảnh hưởng đến việc thu hút học sinh đến trường. Công tác kiểm tra, tư vấn và bồi dưỡng ở một số huyện trong năm đầu thực hiện Đề án còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò quản lý chỉ đạo hướng dẫn việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Phát huy vai trò cả hệ thống chính trị, các cơ quan, tổ chức và Nhân dân trong việc huy động học sinh ra lớp duy trì sỹ số Để tiếp tục thực hiện thành công Đề án trong thời gian còn lại, Tỉnh ủy tiếp tục yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đề ra trong Đề án; tập trung các chỉ tiêu chưa đạt, khó khăn và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu đã đạt; chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Phát huy vai trò cả hệ thống chính trị, sự phối kết hợp của các lực lượng, các cơ quan, tổ chức và Nhân dân trong việc huy động học sinh ra lớp duy trì sỹ số, nhất là cấp trung học cơ sở. Tiếp tục gắn việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với việc nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng nông thôn mới. Tăng cường phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm yêu ngành, yêu nghề cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách sâu rộng và thiết thực trong toàn ngành. Đẩy mạnh phát triển đảng viên là giáo viên. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, tiến bộ khoa học và công nghệ mới cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Quan tâm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an ninh, an toàn và vệ sinh trường học.
Tiếp tục thực hiện tuyển dụng đủ số lượng giáo viên gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức giáo viên đối với mỗi cấp học đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học. Liên kết với các trường Cao đẳng, Đại học mở lớp tạo nguồn giáo viên tiếng Anh dành riêng cho tỉnh Lai Châu. Đối tượng là học sinh tỉnh Lai Châu, có nhu cầu công tác lâu dài tại tỉnh và không có chế độ ưu đãi học tập, tuyển dụng.
Thực hiện kế hoạch sáp nhập các trường và tinh giản đội ngũ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII phù hợp với điều kiện thực tế nhưng phải gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức giáo viên đối với mỗi cấp học, chế độ làm việc và chế độ chính sách đối với nhà giáo nhằm đảm bảo hiệu quả chất lượng giáo dục.
Huy động mọi nguồn lực nhà nước và xã hội đầu tư xây dụng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, ưu tiên xây dựng các công trình phụ trợ cho học sinh ở bán trú. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ học sinh tiểu học, THCS ở các xã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn không được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ để huy động học sinh từ điểm trường lẻ về điểm trường trung tâm theo giai đoạn của Đề án. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo nội dung Đề án./.