Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, tốc độ tăng trưởng ngành nông lâm nghiệp, thủy sản đạt khá; tư duy và nhận thức, tập quán sản xuất của người dân trong sản xuất nông nghiệp dần được thay đổi tích cực. Xây dựng nông thôn mới (NTM) được đẩy mạnh và tiếp tục đạt nhiều kết quả; kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và mở rộng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
Xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là quá trình khó khăn, phức tạp, lâu dài, đòi hỏi vừa phải kiên trì, vừa phải có bước đột phá và phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân. Nên ngay sau khi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, cấp ủy, chính quyền các cấp và các đoàn thể CT-XH đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết rất nghiêm túc; gắn với cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch cả giai đoạn và hằng năm để tổ chức thực hiện.
Khi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể CT-XH các cấp, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức đầy đủ nội dung Nghị quyết, thấy rõ được ý nghĩa, đồng thuận cao với chủ trương của Tỉnh ủy đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đạt được những kết quả đang phấn khởi sau gần 3 năm qua. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển mạnh, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi tích cực theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phấm; đến nay, có 10/13 chỉ tiêu về nông lâm nghiệp đã đạt trên 90% so với mục tiêu Nghị quyết đặt ra, trong đó có 5/13 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt.
Nổi bật nhất có thể kể đến là hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Lúa, chè, quế, sơn tra, mắc ca, cây ăn quả ôn đới... Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 215 nghìn tấn, tổng diện tích đạt 2.358 ha, tăng tương ứng 16,3 nghìn tấn, 1.173 ha so với năm 2015. Xây dựng thành công nhãn hiệu gạo Tẻ Râu (Phong Thổ), gạo Sén Cù (Than Uyên), gạo Khẩu Ký, Nếp Tan Co Giàng (Tân Uyên). Diện tích chè tiếp tục được mở rộng, trồng mới từ 2016 - 2018 đạt 2.693 ha, đưa tổng diện tích chè toàn tỉnh lên 6.184 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh đạt 3.377 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 28.000 tấn, tăng 5.000 tấn so với năm 2015. Phát triển được 544 ha cây ăn quả ôn đới, tăng 247 ha so với năm 2015. Diện tích một số loại cây trồng có lợi thế như quế, mắc ca, sơn tra... tăng qua các năm, hiện toàn tinh có trên 1.739 ha mắc ca; trên 5.544 ha quế (trồng mới giai đoạn 2016 - 2018 đạt trên 5.003 ha); trên 1.922 ha sơn tra (trông mới giai đoạn 2016-2018 đạt trên 1.159ha). Chăm sóc và bảo vệ trên 13 ngàn ha cây cao su hiện có, năm 2018 đưa 3.445 ha vào khai thác, sản lượng đạt 2.850 tấn mù khô.
Tỉnh đã chú trọng phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao, theo hướng bán công nghiệp, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 5%/năm. Sản lưọng thủy sản đạt 2.385 tấn, tăng 237,3 tấn so với năm 2015, trong đó khai thác 260 tấn, nuôi trồng 2.125 tấn. Làm tốt việc quản lý, khoanh nuôi, trồng rừng mới và bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt trong 3 năm đã trồng mới được trên 9.823ha rừng, đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 49,11%, tăng 2,71% so với năm 2015. Thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền bình quân hằng năm khoảng 340 tỷ đồng, giúp người dân có nguồn thu từ rừng, gắn lợi ích với rừng, góp phần tích cực giảm nghèo bền vững.
Kinh tế trang trại có sự chuyển biến tích cực, toàn tỉnh có khoảng 1.321 trang trại, gia trại trong đó 13 trang trại được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại; tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động với thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng. Cùng với phát triển kinh tế trang trại, tỉnh cũng quan tâm khuyến khích, thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư mạnh vào nông nghiệp, nông thôn; tổ chức lại sản xuất theo hướng chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn tỉnh có 77 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó 72 HTX hoạt động theo Luật HTX 2012; có 06 HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với người dân theo hướng chuỗi giá trị. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ vật tư nông nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất.
Chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, với tổng số tiền 5.495 tỷ đồng; hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc đã được quan tâm đầu tư tới các thôn, bản, hộ gia đình. Trong 02 năm 2016 - 2017, có trên 12.500 lao động được đào tạo; giải quyết việc làm cho 13.745 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2017 đạt 44,42%. Riêng năm 2018 có 5.996 lao động được đào tạo, giải quyêt việc làm cho 7.050 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50,7%.Thu nhập bình quân đầu người cư dân nông thôn năm 2018 đạt 14,4 triệu đồng/năm, tăng 5,2 triệu đồng so với năm 2015 (9,2 triệu đồng).
Các cơ quan, đơn vị chuyên môn của tỉnh, huyện tích cực hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, đưa giống mới vào sản xuất, với 150 mô hình, dự án khuyến nông được triển khai thực hiện; trình diễn 40 giống lúa, ngô mới; tổ chức 106 lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; tư vấn trực tiếp cho trên 8.400 lượt hộ nông dân và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp,... từ đó giúp người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo. Sau gần 03 năm thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,92%, đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 25,64%. Cùng với phát triển kinh tế, các địa phương đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng các hương ước, quy ước phát huy truyền thống tốt đẹp, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh ở nông thôn. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 76,8%; tỷ lệ thôn, bản văn hóa đạt 59,5%.
Chương trình xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả, huy động được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Đến nay, có 2/3 chỉ tiêu về xây dựng NTM đạt trên 88% kế hoạch Nghị quyết đề ra, toàn tỉnh có 29 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 31,25% và bình quân đạt 13,67 tiêu chí/xã. Đáng chú ý là duy trì tốt và nâng cao các tiêu chí đã đạt chuẩn tại các xã đã hoàn thành NTM, giữ vững và tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí cơ bản. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM. Kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư, cơ bản đồng bộ, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt cho phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự xã hội đảm bảo, các tệ nạn xã hội được kiềm chế; vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu vực nông thôn được tăng cường. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân chuyển biến tích cực về nhận thức trong phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM; nhu cầu phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM của Nhân dân ngày càng cao; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM được nâng lên.
Cùng với những kết quả tích cực, quá trình thực hiện Nghị quyết cũng cho thấy còn những vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết. Cơ cấu ngành nông nghiệp tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm. Một số chỉ tiêu phát triển nông nghiệp đạt thấp, dự ước khó đạt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra như: Chỉ tiêu phát triển vùng nuôi cá nước lạnh tập trung, thu nhập đầu người khu vực nông thôn. Phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh còn chậm, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, phân tán, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Quan hệ sản xuất chưa phát triển, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Phương án tổ chức sản xuất cho nông dân ở nhiều địa phương chưa rõ nét, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp đặc trưng của các địa phương. Nguồn lực bố trí cho các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều hạn chế; triển khai, áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng NTM còn lúng túng. Việc duy trì và nâng cao một số tiêu chí xây dựng NTM tại các xã đạt chuẩn như: Tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập và môi trường... còn hạn chế; một số tiêu chí đã đạt chuẩn có nguy cơ mất chuẩn.Nguyên nhân xét về mặt khách quan có thể kể đến là thời tiết biến đổi khí hậu bất thường như: rét đậm, rét hại, mưa lũ, sạt lở... làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Biến động về giá cả thị trường theo hướng giảm nên một số sản phẩm (mủ cao su, lợn hơi...) chưa nâng cao được giá trị sản xuất. Mức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn cao nên hiệu quả kinh tế thấp; sản phẩm hàng hóa tập trung chưa nhiều, chưa phát huy được lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Tỉnh xa các thành phố lớn, giao thông đi lại khó khăn nên việc thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Về mặt chủ quan là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế dẫn đến sản phẩm nông nghiệp năng suất, chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng với thị trường. Vẫn còn một số cán bộ, đảng viên và Nhân dân tại các xã vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức rõ và đầy đủ về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình MTQG về xây dựng NTM; còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; ý thức tự giác, chủ động tham gia xây dựng NTM chưa cao.
Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết từ nay đến năm 2020, yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng là tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa của phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đối với sự phát triển của tỉnh cho các tầng lớp nhân dân. Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; khuyến khích và tạo thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn quốc.
Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn; thực hiện đồng bộ các giải pháp cho các xã chưa đạt chuẩn. Huy động và tập trung các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư cho các tiêu chí chưa đạt như: giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa...; gắn xây dựng NTM với phát triển du lịch.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật; tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình sản xuất và chế biến, tiêu thụ; phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của ngành. Áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật sản xuất, đẩy mạnh đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm; chú trọng xây dựng, phát triển sản phẩm chủ lực, hàng hoá tập trung có lợi thế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế