Tại Hội nghị Bộ GD&ĐT đã thông tin một số nội dung về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Theo đó kỳ thi năm nay có điểm mới đó là: tăng cường việc tự chủ của các địa phương; Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình; các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi; ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT, Thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức Kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; thực hiện đối sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.
Kỳ thi năm 2020, sẽ được tổ chức 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) với các môn là: Vật lý, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục phổ thông hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên, Hình thức thi: các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi trắc nghiệm khách quan, riêng môn ngữ văn thi tự luận. Thời gian bài thi/môn thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút; Ngoại ngữ 60 phút; 50 phút đối với môn thi thành phần của bài thi tổ hợp KHTN và KHXH.
Bộ GD&ĐT giao UBND các tỉnh thành lập Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cấp tỉnh; làm tốt công tác chuẩn bị cho kỳ thi nhất là bố trí các điểm thi, cơ sở vật chất, thiết bị; chú trọng công tác lựa chọn cán bộ tham gia kỳ thi, chú ý phương án dự phòng. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ ở các cấp trước ngày 15/6; tổ chức đăng ký dự tuyển cho thí sinh từ ngày 15-30/6. Hoàn thiện dữ liệu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đánh số báo danh, xếp phòng thi, công bố thí sinh không đủ điều kiện dự thi chậm nhất ngày 23/7; trả giấy báo dự thi cho thí sinh chậm nhất ngày 1/8; hoàn thiện việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các hồ sơ coi thi cho các điểm thi trước ngày 4/8. Thời gian tổ chức thi trong 2 ngày 9-10/8/2020; công bố kết quả thi ngày 27/8.
Tại Lai Châu kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 có 3.084 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 2.973 thí sinh được công nhận tốt nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp năm 2020, toàn tỉnh có khoảng trên 3.200 thí sinh đăng ký dự thi. Sở GD&ĐT tỉnh dự kiến thành lập 17 điểm thi với 162 phòng thi đảm bảo phòng thi phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn từng huyện, thành phố (giảm 4 điểm thi và 1 phòng thi so với năm 2019) dự kiến cán bộ coi thi khoảng 1000 nghìn người. Hiện tại Sở GD&ĐT ban hành đầy đủ hệ thống văn bản chỉ đạo cụ thể, chi tiết, khoa học và chuẩn bị các điều kiện để kỳ thi được diễn ra an toàn, đúng quy chế, đúng kế hoạch.
Hội nghị đã thảo luận về công tác thi tốt nghiệp THPT; một số tỉnh, thành báo cáo công tác chuẩn bị cho kỳ thi, trình bày những khó khăn, vướng mắc và một số đề xuất như: xem xét thời gian chấm phúc khảo và thời gian tựu trường; công tác phối hợp đảm bảo an ninh mạng khi năm nay có sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin…
Kết luận Hội nghị đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định: Năm nay là năm mà kỳ thi THPT có nhiều điểm mới do đó UBND các tỉnh cần nêu cao tinh thần phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện nghiêm các quy chế, quy định, cũng như triển khai thực hiện các khâu đảm bảo đúng thời gian quy định. Đồng thời yêu cầu sở GD&ĐT các tỉnh cần tham mưu cho UBND tỉnh sớm thành lập Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp tỉnh đảm bảo lựa chọn đúng người có năng lực; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, giám sát thường xuyên việc chuẩn bị các khâu của kỳ thi; công tác vận chuyển đề thi, sao in cần được đặc biệt quan tâm bảo mật đúng quy định; bố trí các lớp tập huấn cho giáo viên coi thi; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về tiến độ của kỳ thi…/.