Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xóa bỏ cây có chứa chất ma túy
Chiều ngày (21/9), tại Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo tuyên truyền pháp luật và phổ biến cách nhận biết, chia sẻ kinh nghiệm xóa bỏ cây có chứa chất ma túy năm 2018.
Dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, Văn phòng Thường trực phòng chống ma túy (Bộ Công an), các cơ quan liên quan và một số hộ dân thuộc các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái.
Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đấu tranh trấn áp với tội phạm ma túy nên diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy giảm dần qua các năm. Cụ thể, xóa bỏ cây có chứa chất ma túy từ 69,6ha niên vụ 2008 - 2009 xuống còn 3,82ha niên vụ 2017 - 2018. Địa bàn tái trồng cây thuốc phiện chủ yếu ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nghệ An.
Tuy nhiên, cây cần sa đang có nguy cơ bùng phát. Năm 2010, phát hiện có trồng tại 5 tỉnh, đến năm 2014 phát hiện tại 28 tỉnh, thành phố. Các địa phương trồng cây cần sa chủ yếu tại Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí trong một số thành phố nhiều nơi còn trồng theo quy trình công nghệ hiện đại, trồng dưới hầm hoặc trong nhà kính nên rất khó phát hiện.
Chỉ tính riêng năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Văn phòng Chương trình phòng chống ma túy Trung ương tổ chức 2 hội thảo, phát hành 1 băng video và các hoạt động tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trước tình hình ma túy trong nước diễn ra phức tạp, để xóa bỏ việc trồng cây thuốc phiện và cần sa, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không trồng cây có chứa chất ma túy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình tái trồng và giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lồng ghép chương trình, dự án tập trung vốn tại các xã, vùng trọng điểm tái trồng, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nông dân…
Các đại biểu dự Hội thảo tham luận về nội dung: kinh nghiệm xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy; công tác chỉ đạo xóa bỏ cây có chứa chất ma túy; tuyên truyền và phổ biến cách nhận biết, chia sẻ kinh nghiệm xóa bỏ cây có chứa chất ma túy.
Đối với Lai Châu, từ năm 2016, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xóa bỏ cây có chứa chất ma túy, thành lập tổ công tác cắm bản tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xóa bỏ được 363.506m2 cây thuốc phiện.
Kết luận Hội thảo, ông Ma Quang Trung - Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh, thông qua Hội thảo, các đại biểu, nhất là già làng, trưởng bản nắm được tình hình tái trồng, xóa bỏ và thay thế cây chứa chất ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước, nhất là địa bàn ở các địa phương; nhận biết cây có chứa chất ma túy đang bị cấm, từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật, tác hại của ma túy và chính sách của Đảng và Nhà nước về xóa bỏ cây chứa chất ma túy.
Mặc dù diện tích tái trồng cây thuốc phiện giảm nhanh nhưng chưa bền vững, tình hình trồng cây có chứa chất ma túy có những diễn biến phức tạp và tinh vi cả về đối tượng, phương pháp, địa bàn trồng. Các ngành, cơ quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy bằng nhiều hình thức phong phú. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với cơ quan liên quan tuyên truyền pháp luật và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy…/.