Kết quả tích cực từ công tác an toàn, vệ sinh lao động ở Lai Châu
Thứ tư - 17/07/2019 22:522.4310
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác an toàn, vệ sinh lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, lành mạnh, thiết thực, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động được chú trọng.
Công tác an toàn vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng thông qua các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ an toàn vệ sinh lao động; Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động; các hoạt động rà soát, bổ sung nội quy, quy trình làm việc an toàn; các hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra trong các doanh nghiệp nhằm phát hiện các nguy cơ, rủi ro mất an toàn lao động... Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc bằng nhiều hình thức phù hợp, góp phần nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện an toàn vệ sinh lao động. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch an toàn vệ sinh lao động; tăng cường đầu tư kinh phí, trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để cải thiện điều kiện lao động.
Cùng với tuyên truyền, vận động, các cấp, các ngành và doanh nghiệp tăng cường đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm vệ sinh lao động cho người lao động; hỗ trợ kinh phí đào tạo đối với các đối tượng người dân tộc thiểu số. Phối hợp với các trung tâm huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tổ chức 60 lớp với gần 4.000 lượt người lao động tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện an toàn, vệ sinh hạng A cho Công ty cổ phần Cao su Lai Châu.Các cơ sở dạy nghề từng bước đổi mớinội dung, phương pháp huấn luyện; xây dựng giáo trình huấn luyện phù hợp với các ngành nghề. Việc huấn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, chỉ huy sản xuất tập trung vào kỹ năng kiểm soát, đánh giá rủi ro, nhận diện các nguy cơ mất an toàn và biện pháp xử lý; huấn luyện cho người lao động tập trung vào các thao tác, kỹ năng làm việc, xử lý tình huống, phối hợp trong tổ, nhóm theo phương pháp “cầm tay, chỉ việc”...qua đó góp phần đảm bảo an toàn máy, thiết bị bảo hộ lao động, giúp người lao động yên tâm làm việc.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ,kỹ thuật trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động. Điển hình như chọn tạo các giống cây trồng nông nghiệp, tạo ra những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý, giám sát phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở những vùng sạt lở; tiếp nhận và chuyển giao các công nghệ chế biến chè; công nghệ ấp nở sản xuất giống cá tầm, công nghệ sinh học trong sản xuất nấm, rau sạch; từng bước hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hoá học, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp.Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thuỷ phân vi sinh vật trong một số vùng ở nông thôn, bằng việc xây dựng hầm, túi khí biogas để xử lý chất thải động vật, phụ phẩm nông nghiệp, n¬ước thải, chất thải hữu cơ, thu hồi khí Mê tan làm chất đốt sinh hoạt... Các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại; sử dụng thiết bị, công nghệ đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, tăng năng suất lao động và nâng cao mức độ an toàn trong sản xuất, giúp người lao động yên tâm làm việc.
Triển khai nghiêm túc các Chương trình quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Tổ chức 45 cuộc thanh kiểm tra đối với 326 đơn vị, xử phạt cảnh cáo 02 doanh nghiệp, xử phạt hành chính 07 doanh nghiệp vi phạm về an toàn vệ sinh lao động; yêu cầu 128 doanh nghiệp giải quyết 1.052 ý kiến, kiến nghị bức xúc của Nhân dân. Việc quản lý, vận hành các máy, thiết bị, vật tư và công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động được thực hiện theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ quản lý chuyên ngành ban hành. Công tác đối thoại về an toàn vệ sinh lao động; việc chấp hành chế độ thống kê, thông tin báo cáo về an toàn vệ sinh lao động định kỳ 6 tháng, hằng năm; công bố tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp nhà nước, các cơ sở có quy mô lớn thực hiện nghiêm túc theo quy định.
Quan tâm đổi mới cơ chế, chính sách, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong thực hiện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động. Thành lập Hội đồng an toàn vệ sinh lao động tỉnh Lai Châu. Chỉ đạo các sở, ban ngành đã triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực được giao như quản lý sức khỏe, bệnh nghề nghiệp, đo kiểm tra môi trường lao động; quản lý an toàn điện, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; quản lý an toàn vệ sinh lao động trong lĩnh vực xây dựng, khai thác vật liệu xây dựng... Kịp thời đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đáp ứng nhu cầu của người học.
Trong 5 năm 2014 - 2018 đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ, tình hình bệnh nghề nghiệp cho trên 8.000 lượt người lao động. Công tác chăm sóc sức khỏe người lao động được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quan tâm từ khâu ăn, ở, đi lại, đời sống văn hóa tinh thần đến việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ. Thường xuyên cử cán bộ đi tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về công tác giám sát môi trường lao động, nâng cao năng lực khám, chẩn đoán, giám định và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Đến nay, không có doanh nghiệp và người lao động đề nghị khám, chữa bệnh nghề nghiệp và không có người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp yêu cầu điều trị.
Nhờ triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu về bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động nên tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có chiều hướng giảm trên tất cả các tiêu chí; số vụ tai nạn, số người bị tai nạn năm sau luôn giảm hơn so với năm trước (năm 2014: 22 vụ với 31 người bị nạn; năm 2018: 4 vụ với 6 người bị nạn); thiệt hại về người và tài sản cũng như chi phí khắc phục hậu quả tai nạn lao động giảm đáng kể.Các nạn nhân bị tai nạn lao động được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời; sau khi điều trị ổn định được giám định sức khoẻ, giải quyết chế độ, chính sách bồi thường, trợ cấp theo quy định và được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp.
Cùng với những kết quả tích cực nêu trên, việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa thiết thực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Phối hợp giám sát, kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khu vực ngoài quốc doanh còn hạn chế. Một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thiếu nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ mới phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; chưa bố trí người phụ trách an toàn vệ sinh lao động. Công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đảm bảo; bố trí lao động, phân công công việc không cụ thể; tổ chức, sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo; chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý.Việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động của một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế; còn nhiều doanh nghiệp sử dụng máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo an toàn; tỷ lệ các đơn vị thực hiện đo, kiểm tra môi trường định kỳ còn thấp hoặc một số nơi thực hiện mang tính hình thức, chưa chú trọng xây dựng môi trường văn hóa an toàn tại nơi làm việc. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ mới chỉ tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, điện... Thực hiện các chế độ về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN và các chính sách khác đối với người lao động của một số doanh nghiệp chưa đảm bảo theo quy định.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ nhận thức, cách thức triển khai, cơ chế và hiệu quả quản lý nhà nước. Nhưng đồng thời cũng do số lượng doanh nghiệp cùng với lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, việc di chuyển một lực lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, phần lớn trình độ văn hóa thấp, chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ hướng nghiệp dạy nghề. Trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của người lao động còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; phối hợp công việc nhóm chưa tốt; hiện tượng chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn lao động, không sử dụng trang bị, phương tiện bảo hộ cá nhân vẫn còn xảy ra.Tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp gặp khó khăn, nên chưa quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị, cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nhóm thợ (theo hợp đồng thời vụ) khó theo dõi, quản lý. Công tác tập huấn an toàn vệ sinh lao động, trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân ở một số doanh nghiệp đạt tỷ lệ thấp...Đó cũng là những vấn đề đang đặt ra cho công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến công tác an toàn, vệ sinh lao động; đòi hỏi người lao động phải có trình độ chuyên môn cao; kỹ năng làm việc hiện đại, hội nhập; tác phong làm việc công nghiệp; hiểu biết về công nghệ. Do đó, trong thời gian tới để khắc phục những hạn chế và khó khăn nêu trên, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh cần phải thường xuyên cập nhật và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc của người lao động để từng bước tiếp cận với công nghệ, máy móc mới, tiến đến làm chủ công nghệ, máy móc phục vụ cho yêu cầu sản xuất đảm bảo năng suất lao động và an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu, đề xuất, xây dựng, sửa đổi chính sách quản lý an toàn vệ sinh lao động có hiệu quả; xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực quản lý an toàn vệ sinh lao động đảm bảo về số lượng, chất lượng (sức khỏe, trình độ chuyên môn,kỹ năng, tính sáng tạo và năng động trong công việc...) đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước nói chung, tỉnh Lai Châu nói riêng./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế