Là tỉnh miền núi với 20 dân tộc thiểu số với nền văn hóa truyền thống phong phú, đậm đà bản sắc, nhân dân các dân tộc đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Sau gần 20 năm chia tách và thành lập, tuy là tỉnh có nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế - xã hội phát triển, chính trị ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; hoạt động đối ngoại tiếp tục được duy trì và mở rộng; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng lên. Trong bối cảnh có những thuận lợi, khó khăn đan xen, thực hiện chỉ đạo, định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật theo hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc miền đất, con người Lai Châu, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW nghiêm túc, linh hoạt, hiệu quả; xây dựng và ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU, ngày 17/11/2008 về thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 23/6/2022 về nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh thông qua; công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo, định hướng Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh thành lập 6 chi hội chuyên ngành và 7 chi hội văn học nghệ thuật các huyện, thành phố trực thuộc với tổ chức chặt chẽ, hoạt động có nền nếp. Đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh ngày càng lớn mạnh về số lượng, sau 15 năm, đã kết nạp được 193 hội viên, giới thiệu các hội chuyên ngành Trung ương kết nạp 37 hội viên; trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số 44 hội viên (chiếm 22,8%) thuộc các chuyên ngành: Văn, thơ, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, múa, văn nghệ dân gian; các hội viên ngày càng nâng cao về bản lĩnh chính trị, năng lực sáng tạo; thường xuyên kiện toàn, bổ sung, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật.
Hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật luôn bám sát đường lối văn hoá, văn nghệ của Đảng; số lượng tác phẩm có giá trị về tư tưởng, nghệ thuật tăng rõ rệt. Cấp ủy, chính quyền thường xuyên chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức làm tốt công tác sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian với 6 công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 32 đề tài, tác phẩm được hỗ trợ xuất bản, 46 tác phẩm đạt các giải khu vực, toàn quốc. Công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa được chú trọng với 20 lớp truyền dạy về chữ viết, trình diễn văn nghệ dân gian, phục dựng thành công 5 lễ hội, duy trì tổ chức 40 lễ, lễ hội hằng năm. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được quan tâm thực hiện với 1.257 buổi biểu diễn nghệ thuật; tổ chức 18.078 buổi chiếu phim lưu động phục vụ gần 2,7 triệu lượt người, sản xuất 54 chương trình phim, lồng tiếng 81 phim các ngôn ngữ dân tộc Thái, Mông, Dao, Hà Nhì.
Công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật quần chúng ngày càng lớn mạnh: toàn tỉnh có 1 trung tâm văn hóa cấp tỉnh, 8 trung tâm văn hóa cấp huyện, 98 nhà văn hóa cấp xã và 854 nhà văn hóa cấp thôn, bản; 01 thư viện tỉnh, 8 thư viện cấp huyện, 163 tủ sách cơ sở; 984 đội văn nghệ quần chúng cơ sở trong đó có 765 đội được hỗ trợ kinh phí (3 triệu/đội/năm); 8 đội văn nghệ cấp xã, 40 đội văn nghệ thôn, bản; 45 câu lạc bộ bảo tồn các giá trị văn hóa tốt đẹp trong trường học và 16 câu lạc bộ truyền dạy văn hóa dân gian cấp xã được hỗ trợ kinh phí duy trì hoạt động. Chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sáng tác, biểu diễn cho văn nghệ sĩ, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tham gia và tổ chức 62 trại sáng tác, tập huấn, bồi dưỡng tổng hợp, liên hoan cho trên 700 lượt hội viên, cộng tác viên.
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc thi, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Lai Châu; Cuộc thi sáng tác ca khúc viết về Lai Châu nhân dịp kỷ niệm 10 năm, 15 năm chia tách, thành lập tỉnh; Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,… thu hút đông đảo văn nghệ sĩ, phóng viên, các đơn vị tham gia với những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, khả năng tiếp nhận của độc giả, khán giả nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, đã có 109 tác phẩm đạt giải thưởng “Văn học nghệ thuật Lai Châu”. Các tác phẩm được đăng tải, giới thiệu, quảng bá trên chuyên trang, chuyên mục của Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Lai Châu. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách đãi ngộ, chế độ nhuận bút, thù lao, hỗ trợ hội viên, cộng tác viên trong sáng tác văn học, biểu diễn văn nghệ; hoạt động giao lưu quốc tế bước đầu đạt được kết quả nhất định.
Hoạt động giao lưu quốc tế bước đầu đạt được kết quả nhất định. Tổ chức hoạt động giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật của tỉnh với bạn bè quốc tế và thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các tỉnh Bắc Lào (Phông Sa Lỳ, U Đôm Xay, Luông Pha Bang) để tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác; đồng thời, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa các dân tộc và tiềm năng, triển vọng phát triển, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh ngày càng sâu rộng và bền vững.
Các cấp uỷ đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác ngăn chặn, bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, phản văn hóa, phi thẩm mỹ trên lĩnh vực văn học nghệ thuật đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.
Trong thời gian tới các cấp ủy Đảng từ tỉnh tới cơ sở cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, văn học, nghệ thuật với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng mức đầu tư cho xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật. Củng cố, đổi mới hoạt động của các tổ chức Hội, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động sáng tạo; bổ sung, điều chỉnh chế độ chính sách cho đội ngũ văn nghệ sỹ. Nắm, định hướng tư tưởng, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Lai Châu vững mạnh toàn diện, tâm huyết với nghề; chú trọng đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số; phát triển văn nghệ quần chúng, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống dân tộc. Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động phê bình lý luận văn học, nghệ thuật.
Nghị quyết số 23-NQ/TW đã khẳng định: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam...”. Do đó, đẩy mạnh thực hiện xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật bám sát các mục tiêu phát triển của tỉnh, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh, quảng bá hình ảnh tốt đẹp về văn hóa và con người Lai Châu; trực tiếp tham gia xây dựng và hoàn thiện con người, tôn vinh các giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội, hướng con người vươn tới giá trị chân - thiện - mỹ; nhạy bén và mạnh dạn thể hiện rõ nét tính chiến đấu, cảnh báo, phản biện, đấu tranh có hiệu quả, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng, trào lưu tiêu cực, phản văn hóa nảy sinh cuộc sống là hết sức cần thiết, làm phong phú hoạt động sáng tạo, hướng con người vươn tới chân, thiện, mỹ, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc./.