Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của văn học nghệ thuật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Các văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, thì văn học, nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của văn học nghệ thuật trong việc hình thành quan điểm, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân, thời gian qua Đảng bộ tỉnh đã dành nhiều sự quan tâm đến lĩnh vực này. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 về “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/6/2022 về “Nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật, tạo mọi điều kiện để hoạt động văn học, nghệ thuật, đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân được phát huy tối đa sức sáng tạo.
Bằng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp của các ban, ngành, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh ngày càng được củng cố, kiện toàn. Toàn tỉnh hiện có 175 hội viên thuộc 6 hội chuyên ngành, 8 hội, chi hội cấp huyện, thành phố. Hội đã triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn học, nghệ thuật, trong đó tập trung vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Đội ngũ văn nghệ sỹ có bản lĩnh chính trị, có tài năng; đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng nghệ thuật, giá trị thực tiễn. Mỗi hội viên vừa là văn nghệ sĩ, vừa là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng của Đảng.
Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã luôn chú trọng đổi mới phương thức, cách thức hoạt động. Bên cạnh việc tổ chức nhiều hoạt động sáng tác, xuất bản, giới thiệu các tác phẩm đến với bạn bè trong và ngoài nước, Hội đã quan tâm việc đưa các giá trị văn hóa đặc sắc đến với đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Năm 2023, phối hợp xây dựng và thực hiện phát sóng 26 phim tài liệu về văn hóa, văn học nghệ thuật, văn nghệ dân gian trong chương trình “Văn học nghệ thuật Lai Châu” trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; đăng tải 143 truyện ngắn, tản văn, bài giới thiệu tác giả tác phẩm, văn hóa dân gian, thơ trên 42 chuyên trang của Báo Lai Châu cuối tuần; phối hợp tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật tại nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước, của tỉnh…
Hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật diễn ra rất sôi động và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đã có nhiều tác phẩm xuất sắc được ghi nhận ở các giải thưởng do bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh tổ chức như: Ca khúc “Người Mông nhớ Bác” của tác giả Minh Cừ đạt Giải A - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức; tác phẩm thơ “Người thêu thổ cẩm” của tác giả Phùng Thị Hải Yến đạt giải Nhất tại Cuộc thi “Tìm hiểu giá trị tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống gia đình và thúc đẩy bình đẳng giới” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức; tác giả Vương Khon với ca khúc “Inh lả về Điện Biên đấy” được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng tác phẩm xuất sắc năm 2023…
Đội ngũ nghệ sỹ, nghệ nhân ngày càng lớn mạnh và khẳng định được vai trò trong việc gìn giữ, nhân rộng và làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 1 nghệ nhân nhân dân, 15 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ sỹ ưu tú, 596 người nắm giữ và thực hành di sản văn hóa; có 45 trường phổ thông thành lập câu lạc bộ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 16 câu lạc bộ bảo tồn di sản văn hóa văn nghệ dân gian. Các các nghệ sỹ, nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành di sản văn hóa rất tích cực tham gia các hoạt động truyền dạy. Qua đó, bồi dưỡng ý thức tôn trọng, tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong đồng báo các đân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ.
Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, để tiếp tục phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật các cấp ủy đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về văn học nghệ thuật. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sỹ trong tìm tòi, sáng tạo các tác phẩm có giá trị về tư tưởng nghệ thuật; khơi dậy giá trị văn học nghệ thuật đang ẩn chứa trong kho tàng tư liệu đời sống của 20 dân tộc trên địa bàn tỉnh. Hội văn học nghệ thuật các cấp và đội ngũ văn nghệ sỹ cần tiếp tục phát triển đội ngũ, nâng cao năng lực sáng tạo; tập trung phản ánh cái mới, cái tích cực, cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ; lên án cái xấu, cái ác, lối sống thực dụng, xa rời các giá trị đạo đức, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng con người Lai Châu có trí tuệ, có ý chí tự lực - tự cường, có khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc đưa Lai Châu phát triển nhanh và bền vững./.