Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020
Hội nghị trực tuyến được Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020 phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng ngày 15/10. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì Hội nghị. Đồng chí Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016-2020; lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, Đoàn thể Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, Thành phố trên cả nước… dự Hội nghị.
Về phía đầu cầu tỉnh ta có các đồng chí: Vũ Văn Hoàn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Ngọc An - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Giàng A Tính - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững tỉnh, huyện Than Uyên, Sìn Hồ dự Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Lai Châu
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 đã huy động được hệ thống chính trị, các tổ chức quốc tế vào cuộc thực hiện từ Trung ương đến địa phương, cơ sở. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống 4,25% (năm 2015), bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 58,33% (năm 2010) xuống 28% (năm 2015), bình quân giảm trên 6%/năm. Có 5% số huyện nghèo, 30% số xã, 3,43% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 100% trung tâm xã có điện; 70% số thôn, bản có điện phục vụ sinh hoạt và phát triển sản xuất… Quốc hội, Chính phủ đã bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình là 47.339,248 tỷ đồng. Giai đoạn 2011-2015 có 66.875 tỷ đồng mua thẻ bảo hiểm y tế người nghèo, dân tộc thiểu số; khoảng 4.230 tỷ đồng để thực hiện công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; trên 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ cho 531.000 hộ nghèo về xóa nhà tạm.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp; nguồn lực thực hiện hạn chế; chưa khơi dậy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, sự tham gia chủ động, tích cực, sáng tạo của người dân, của cộng đồng cùng nhau vươn lên thoát nghèo…
Giai đoạn 2016-2020, chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đặt ra 2 mục tiêu chính, 7 chỉ tiêu chủ yếu, 5 giải pháp chủ yếu, 3 nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều. Phấn đấu 50% số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho 20.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số… Điểm mới của Chương trình là đã được hợp nhất từ các Chương trình MTQG Giảm nghèo, Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình đưa lao động ở huyện nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình: 48.397 tỷ đồng với dự án thành phần như: 30a, 135, Truyền thông và giảm nghèo về thông tin…
Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lai Châu giảm trung bình 5,6%/năm (từ 46,78% năm 2011 xuống 18,75%/năm 2015) có trên 26 nghìn hộ thoát nghèo.
Giai đoạn 2016-2020, với cách tiếp cận đa chiều tỷ lệ hộ nghèo tăng 40,4%. Tỉnh đặt ra mục tiêu mỗi năm giảm nghèo 3-4%/năm. Riêng các huyện nghèo giảm 4%/năm trở lên; phấn đấu từ 1-2 huyện thoát nghèo; 15% số xã, bản đặc biệt khó khăn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn...
Các tham luận, ý kiến tại Hội nghị đã tập trung nêu lên cách làm hay, kinh nghiệm sáng tạo, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015; đồng thời đưa ra các giải pháp linh hoạt trong việc thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương đánh giá cao các cấp, ngành Trung ương, địa phương, đồng bào, chiến sỹ cả nước, tổ chức Quốc tế, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã quan tâm hỗ trợ, thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo. Đồng thời đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp, cùng các cấp, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục: Tạo điều kiện, khuyến khích hộ nghèo vươn lên; thực hiện tốt các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng về công tác xóa đói giảm nghèo; làm tốt tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong tầng lớp Nhân dân phát huy hệ thống chính trị, hiệp lực toàn xã hội thực hiện giảm nghèo giai đoạn 2016-2020; hoàn thiện chính sách pháp luật, dành nguồn lực cho công tác giảm nghèo; đặt mục tiêu giảm nghèo trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; huy động mọi nguồn lực trong xã hội để triển khai thực hiện giảm nghèo bền vững; củng cố hoặc thành lập mới Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững ở địa phương; đôn đốc, kiểm tra, giám sát tốt việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; đưa công nghiệp, dịch vụ về vùng nông thôn; tăng cường dịch vụ xã hội như: nhà ở, y tế...
Tại Hội nghị đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016 - 2020./.