Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890, tại làng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trong một gia đinh nhà nho yêu nước, ở một làng quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, chứng kiến cảnh mất nước nhà tan, Người đã sớm hun đúc ý chí và khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho Nhân dân, cho đất nước. Ngày 05/6/1911 với tên gọi Văn Ba, Người đã rời bến cảng Nhà Rồng bôn ba khắp năm châu, bốn biển vừa tự lao động kiếm sống, vừa tự học, quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Người hiểu rõ cội nguồn những đau khổ của nhân dân lao động chính là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành lên ý thức giai cấp rõ rệt, từ đó Người tìm cách truyền bá vào phong trào yêu nước ở Việt Nam. Ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của Người Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.
Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng. Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo Nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Ngày 02/9/1969, Người đã ra đi để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lòng tiếc thương vô hạn, nhưng với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã biến đau thương thành hành động cách mạng với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đi theo con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra; nhất là sau 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người; trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vận dụng phát triển, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch của đất nước sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế là minh chứng sinh động khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; khẳng định sự đúng đắn về đường lối cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra và chính trong quá trình vận động của cách mạng, tư tưởng, đường lối đó ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Cả cuộc đời 79 mùa Xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, Người đã cống hiến không ngừng nghỉ, tất thảy đều hiến dâng cho Tổ quốc, đồng bào, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Cuộc đời và sự nghiệp của Người trở thành biểu tượng cách mạng, khơi dậy khát vọng và niềm tin cho Nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Người từng tâm sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”. Dù đã đi xa nhưng Người đã để lại cho dân tộc ta di sản vô cùng quý báu, đó là: Thời đại Hồ Chí Minh; sự nghiệp Hồ Chí Minh; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chính là sự kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và tinh hoa văn hóa nhân loại; là tấm gương sáng để mọi người Việt Nam học tập và noi theo. Có biết bao câu chuyện chân thực và cảm động về tấm gương đạo đức của Bác đã trở thành biểu tượng văn hóa, đạo đức, văn minh của một lãnh tụ của Đảng, của Nhân dân. Cả cuộc đời Bác “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”.
Trong những năm qua, Đảng ta đã lãnh đạo triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ tháng 11/2006 đến nay Bộ Chính trị đã ban hành 3 Chỉ thị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7/11/2006 về “Tổ chức cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị số 03-CT/TW ngàu 14/5/2011 về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2026 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”); tiếp theo đó, ngày 18/5/2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, thời gian qua toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được nhưng kết quả quan trọng, tạo được sức lan tỏa trên các mặt của đời sống xã hội, góp phần tạo nên sức mạnh cộng hưởng, sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng, những năm qua Đảng bộ tỉnh Lai Châu triển khai đồng bộ, quyết liệt và toàn diện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức và đạt được những kết quả quan trọng. Việc học tập và làm theo Bác được cụ thể hóa vào các nhiệm vụ thường xuyên của mỗi tập thể, cá nhân và dần trở thành ý thức tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Xuất hiện ngày càng nhiều những gương điển hình học tập, làm theo Bác trên mọi mặt đời sống xã hội và được kịp thời phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng, lan tỏa tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trong mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị. Từ năm 2016 đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 9.164 tập thể, cá nhân và hộ gia đình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh; đặc biệt đến hết năm 2023 đã có 1/11 nhóm chỉ tiêu chủ yếu, 22/55 chỉ tiêu thành phần đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra. Kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đời sống Nhân dân các dân tộc được nâng cao.
Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Người, mỗi chúng ta càng thêm tự hào và thể hiện lòng biết ơn vô hạn công lao trời biển đối với Bác, quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc và thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; luôn trau dồi đạo đức cách mạng; trung thực, trách nhiệm; gắn bó với Nhân dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; coi đây là công việc thường xuyên, không thể thiếu đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Luôn đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu, theo phương châm cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò nêu gương trong xây dựng ý chí, khát vọng phát triển của bản thân và của địa phương, cơ quan, đơn vị. Như lời phát biểu của đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) “Quyết tâm chính trị phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể, việc làm thiết thực, hiệu quả của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, địa phương và nhất là người đứng đầu, mỗi cán bộ, đảng viên, với phương châm “Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu””.
Tháng 5 nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn và để lớn hơn mình một chút, như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản gị.
Màu quê hương bền bỉ đậm đà.
Ta bên Người, Người toả sáng trong ta.
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút…”.