Giám sát về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016
Thứ năm - 29/03/2018 04:336700
Sáng 28/3, Đoàn giám sát của Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội làm Trường đoàn đã có cuộc giám sát với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016.
Tiếp và làm việc với Đoàn về phía tỉnh có các đồng chí: Nguyễn Khắc Chử - Bí thư Tỉnh ủy; Giàng Páo Mỷ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Giàng A Tính - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh, các Sở, ban, ngành, UBND huyện Tam Đường, Công ty Cổ phần nước sạch Lai Châu.
Tại buổi làm việc đồng chí Giàng A Tính - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo với Đoàn giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016. Theo đó, trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh đã thu hút và giải ngân vốn ODA với tổng số 1.190.093 triệu đồng, trong đó các dự án hoàn thành trước năm 2011 bố trí đủ vốn cho 12 dự án và giải ngân 43.338 triệu đồng, các dự án chuyển tiếp và khởi công mới trong giai đoạn 2011- 2016 bố trí vốn cho 25 dự án và thực hiện giải ngân 1.146.755 triệu đồng. Về bố trí vốn đối ứng, hàng năm căn cứ vào nhu cầu đăng ký vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương theo đề nghị của UBND tỉnh, Bộ kế hoạch và Đầu tư đã quan tâm bố trí đủ vốn đối ứng, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và cam kết với nhà tài trợ. Trong giai đoạn 2011 - 2016 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân bố vốn đối ứng từ ngân sách Trung ương với tổng số 272.414 triệu đồng, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương UBND tỉnh bố trí đủ vốn đối ứng theo đúng quy định với tổng số tiền 75.821 triệu đồng. Việc vay vốn nước ngoài cho vay lại trong giai đoạn 2011 – 2016 chỉ có 1 dự án UBND tỉnh vay lại Chính phủ với tổng vốn vay từ vốn viện trợ của Chính phủ Na uy 8.668 triệu đồng với thời gian 150 tháng cho dự án Cấp nước sạch thị xã Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu).
Có thể nói, Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ như JICA, WB, OFID đã đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân. Đối với các công trình cấp nước đã góp phần đưa tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch toàn tỉnh từ 80% năm 2010 lên 90% năm 2016 và tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước vệ sinh toàn tỉnh từ 61,5% năm 2010 lên 77% năm 2016. Về hạ tầng giao thông đã tập trung các dự án giao thông liên vùng và đến trung tâm các xã đã hoàn thành 109km đường giao thông nông thôn nâng tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường cứng hóa lên 98,96%. Các dự án giảm nghèo đã làm thay đổi diện mạo góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh năm 2016 xuống còn 34,8%.
Kiến nghị với Đoàn giám sát tỉnh đề nghị thống nhất quy định giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong Luật Đầu tư công và các văn bản chỉ đạo của Chính Phủ và các Bộ, ngành Trung ương đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thi công, giảm chi phí và tăng hiệu quả đầu tư; nghiên cứu ban hành hướng dẫn cụ thể việc quản lý và sử dụng các chương trình, dự án ODA; hàng năm công bố mức vốn ODA được vay để các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch quản lý và sử dụng nguồn vốn vay.
Tại buổi làm việc các thành viên trong Đoàn giám sát đã có nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh giải trình làm rõ một số nội dung về hiệu quả đầu tư, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài như: mộ số dự án mức giải ngân còn thấp; chất lượng các công trình, dự án đầu tư đặc biệt là vấn đề duy tu, bão dưỡng khi các dự án hoàn thành, quyết toán; kế hoạch giao vốn, các dự án có kết dư vốn không; kế hoạch giải ngân còn chậm; vai trò giám sát của tỉnh, các địa phương đối với dự án nước ngoài đầu tư; trong tương lai tỉnh có sẵn sàng tiếp cận các nguồn vốn vay lãi; nguồn vốn vay ưu đãi ODA tỷ lệ còn thấp trong khi nhu cầu cần đầu tư của tỉnh rất cao; năng lực của cán bộ phụ trách dự án; tỷ trọng các dự án về y tế, giáo dục còn rất ít… Qua ý kiến của các Đoàn giám sát đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh đã giải trình, làm rõ những thắc mắc, ý kiến của Đoàn.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát đồng chí Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội chúc mừng những thành tích mà tỉnh đạt được trong những năm qua trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh. Đồng thời ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của tỉnh trong việc triển khai các chương trình, dự án, công trình đầu tư từ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi, vay thương mại nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016. Đồng chí đề nghị tỉnh sớm hoàn thiện báo cáo, đánh giá chính xác hiệu quả cũng như nguyên nhân, hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các nguồn vốn vay nước ngoài để gửi đến đoàn trong thời gian sớm nhất; Nâng cao công tác quản lý sau đầu tư để các dự án, công trình phát huy hiệu quả; thời gian tới nguồn vốn vay ưu đãi sẽ giảm dần vì vậy cần tiếp cận thêm việc vay vốn nước ngoài cho vay lãi để đầu tư vào các dự án thích hợp góp phần nâng cao tỷ trọng nguồn vốn vay nước ngoài.
Trước đó, Đoàn giám sát đi khảo sát thực địa dự án Cấp nước thị xã Lai Châu (nay thành phố Lai Châu) do Công ty Cổ phần nước sạch làm chủ đầu tư và Dự án đường trung tâm xã Bản Giang đến xã Nùng Nàng do UBND huyện Tam Đường làm chủ đầu tư./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế