Để đạt được kết quả này, ngoài kiểm soát chặt chẽ tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong đó nêu cao vai trò của người đứng đầu từ các cơ quan, đơn vị đến tận cấp xã, bản là vô cùng quan trọng.
Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
Trong 6 tháng đầu năm, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua số liệu thống kê, theo dõi từ 16/12/2017 đến 15/6/2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 35 vụ tai nạn giao thông, đã làm 21 người chết, 38 người bị thương, 07 ô tô, 30 mô tô hư hỏng, tài sản thiệt hại ước tính trên 2,1 tỷ đồng.
Các lực lượng tuần tra kiểm soát đã tập trung lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên tất cả các tuyến đường, khu vực thị trấn, thành phố, đồng thời tập trung kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm theo chuyên đề: Chạy quá tốc độ quy định, đi xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, xe ô tô, mô tô chở quá số người theo quy định, xe ô tô thiết bị an toàn không đảm bảo… Tập trung xử lý các trường hợp lạm dụng rượu bia, người lái xe không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển phương tiện và không đội mũ bảo hiểm mỗi khi tham gia giao thông…
Qua quá trình tuần tra, kiểm soát, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh và Thanh tra giao thông - Sở Giao thông vận tải đã phát hiện lập biên bản 5.787 trường hợp vi phạm Luật giao thông. Đã xử phạt 5.343 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước tỉnh hơn 2,7 tỷ đồng; tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng 309 trường hợp, tước phù hiệu 16 trường hợp. Trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 1.171 trường hợp, phát hiện lập biên bản 74 trường hợp vi phạm tải trọng, ra quyết định phạt tiền là 365 triệu đồng, tước giấy phép lái xe (GPLX) 08 trường hợp…
Các ngành thành viên Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã tăng cường tuyên truyền Luật giao thông đường bộ, đường thủy nội địa và các quy định khác của Chính phủ đến từng cơ quan, doanh nghiệp, các chủ phương tiện và người tham gia giao thông; với nhiều hình thức phong phú như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các cuộc thi, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề... Trong các đợt tuyên truyền Ban An toàn giao thông tỉnh đã cấp phát 10 nghìn tờ gấp, 300 áo phao, 700 vở viết, 500 mũ bảo hiểm và 1000 sách Nghị định 46/2006/NĐ-CP. Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền bằng xe ô tô; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm luật giao thông đường bộ, đường thủy cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công nhân, viên chức và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang; phối hợp xây dựng 39 tin, bài, in 90 đĩa tuyên truyền; phối hợp tổ chức 65 buổi tuyên truyền Luật giao thông đường bộ cho 36.270 lượt người; phát 5.456 tờ rơi, 3000 quyển cẩm nang lái xe mô tô, xe gắn máy; phát miễn phí 370 mũ bảo hiểm, 150 áo phao, 410 dụng cụ nổi…
Cùng với đó, công tác quản lý vận tải phương tiện và người lái được thực hiện nghiêm, tăng cường kiểm tra, xử lý các đơn vị vận tải khách không đảm bảo điều kiện an toàn khi xuất bến. Công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX; đăng ký, đăng kiểm phương tiện cũng được quan tâm thực hiện. Trong 6 tháng đã đào tạo và sát hạch được 10 khóa lái xe mô tô hạng A1 với số người tham gia là 3.638 người. Công tác quản lý và bảo trì đường bộ, rà soát, khắc phục bất cập vệ hệ thống biển báo hiệu đường bộ, xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được tích cực triển khai thực hiện…
Cần nêu cao vai trò của người đứng đầu đến tận cấp xã, bản
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm, Lai Châu là 1 trong 35 tỉnh thành có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng trước những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra các vụ tai nạn giao thông, 6 tháng cuối năm, Ban ATGT tỉnh Lai Châu tiếp tục phấn đấu giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí với nhiều nhiệm vụ trọng tâm đặt ra đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi có trình độ dân trí thấp; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm pháp luật về Trật tự ATGT; tăng cường công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, thanh tra, tuần tra, kiểm soát; quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách; đồng thời tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội, trọng tâm là bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em và người lớn nêu gương về văn hóa giao thông…
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm này, theo Đại tá Bùi Gia Lượt, Phó Giám đốc Công an tỉnh - Phó Trưởng Ban ATGT tỉnh, trong 6 tháng cuối năm cần rất nhiều giải pháp, nhưng trong đó trọng tâm là cần nêu cao vai trò người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể và phải đến tận các xã, bản để phát huy vai trò của người đứng đầu trong tuyên truyền có hiệu quả cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi có trình độ dân trí thấp. Cùng với đó là sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban ATGT tỉnh, sự phối kết hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, đổi mới phương thức tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT phù hợp với chủ đề năm an toàn giao thông; siết chặt kỷ cương trong tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về trật tự ATGT.../.