9 tháng đầu năm toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 3.700 người
Thứ ba - 17/10/2017 04:483830
Sáng 17/10, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2017. Đồng chí Lê Văn Thăng, TUV, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Chương trình đào tạo và giải quyết việc làm là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề để chỉ đạo thực hiện; 100% các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 và ban hành quy chế hoạt động, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để thực hiện công tác đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho lao động nông thôn trên địa bàn.
Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 đã tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kịp thời và cấp kinh phí đào tạo cho lao động nông thôn về cấp huyện để triển khai thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để cấp huyện chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, ký hợp đồng đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát. Một số huyện, thành phố đã tự cân đối ngân sách để đào tạo đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956, đến hết tháng 9, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 3.737 người, đạt 62% kế hoạch giao cả năm. Đối tượng tham gia đào tạo nghề đa phần là người dân tộc thiểu số và học nghề nông nghiệp là chủ yếu; trong số 3.737 người tham gia học nghề có 2.760 người đã học xong và trên 80% số người học xong có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. Kết quả này đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật tính đến ngày 30/9/2017 đạt khoảng 43,9%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm khoảng 32%.
Toàn tỉnh hiện có 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 cấp huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các hoạt động tuyên truyền tư vấn, tuyển sinh bằng nhiều hình thức như tư vấn, tuyển sinh trực tiếp đến các xã, phường, thị trấn, các bản; tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT, THCS… nhằm thu hút người lao động tham gia đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, trong 3 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 các huyện, thành phố tiếp tục huy động, lồng ghép, bố trí các nguồn vốn để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch tỉnh giao, đảm bảo số người sau đào tạo có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt từ 80% trở lên góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật đạt 44,42% vào cuối năm và trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 32,17%.
Tại Hội nghị các đại biểu đã tham gia ý kiến: Công tác đào nghề chưa phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương; giáo trình đào tạo nghề chưa đạt chuẩn; thời gian đào tạo một số nghề còn dài; việc triệu tập học viên gặp khó khăn; một số giáo viên đào tạo nghề chưa đáp ứng yêu cầu…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Văn Thăng, TUV, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện hiện Đề án 1956 của tỉnh đã yêu cầu: Các huyện, thành phố cần lập kế hoạch, mở các lớp đào tạo nghề theo mùa và tiến độ theo đúng thời gian đã đề ra; đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới nội dung, hình thức đào tạo nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, chú trọng đến công tác nâng cao hiệu quả sau đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng và giải quyết việc làm, nhất là giải quyết việc làm tại chỗ nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động ngay tại địa phương; tập trung triển khai nhân rộng các mô hình đào tạo có hiệu quả; tăng cường công tác giám sát các lớp đào tạo nghề…/.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế