Dự Lễ có các đồng chí UVBTV Tỉnh ủy: Bùi Từ Thiện, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Đức Vương, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Cục Di sản - Bộ VH-TT&DL; lãnh đạo cùng đông đảo Nhân dân các dân tộc huyện Nậm Nhùn; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh,...
Đồng chí Tống Thanh Hải, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo huyện Nậm Nhùn
Theo đó, bia được Vua Lê Thái Tổ cho khắc vào năm 1431, trên vách đá của bờ Bắc Sông Đà, dưới chân dãy núi Pú Huổi Chỏ sau khi dẹp yên phản loạn. Bia Vua Lê Thái Tổ như một lời răn đe đối với những kẻ phản loạn và có ý đồ làm loạn lúc bấy giờ; đồng thời, khẳng định chủ quyền đất nước.
Năm 1981, bia Vua Lê Thái Tổ được công nhận là di tích cấp quốc gia, đến năm 2012, do ảnh hưởng vùng ngập lòng hồ thủy điện Sơn La, bia Vua Lê Thái Tổ đã được di dời lên Đền thờ Vua Lê Lợi cách đó 500m để lưu giữ. Cuối năm 2016, bia Vua Lê Thái Tổ đã chính thức được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Năm 2012, Đền Lê Lợi được xây dựng, lưu giữ tấm bia trên và là địa điểm thờ tự, nơi lưu niệm Vua Lê Thái Tổ. Đầu năm 2017, đền thờ Vua Lê Lợi cũng được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây cũng là địa điểm để người dân cả nước đến thăm quan, tìm hiểu những giá trị lịch sử, văn hóa của bảo vật quốc gia bia Lê Lợi.
Phát biểu giao nhiệm vụ cho huyện Nậm Nhùn, đồng chí Tống Thanh Hải - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân xã Lê Lợi, Pú Đao nói riêng, huyện Nậm Nhùn nói chung xây dựng quy chế bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tạo điều kiện cho Nhân dân đến thăm quan, học tập. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Di sản văn hóa và pháp luật có liên quan về bảo vệ và phát huy giá trị di tích, địa điểm lưu niệm Đền thờ vua Lê Thái Tổ. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống. Quản lý khai thác một cách khoa học, hiệu quả kho tàng di sản, coi đó là niềm vinh dự tự hào và cũng là trách nhiệm to lớn đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Các đội tham gia giải đua thuyền đuôi én huyện Nậm Nhùn lần thứ nhất
* Cùng ngày, huyện Nậm Nhùn tổ chức Lễ hội đua thuyền đuôi én lần thứ nhất. Tham gia Lễ hội có 8 đội thi đấu đến từ các xã: Lê Lợi, Mường Mô, Nậm Hàng, Nậm Manh, Nậm Chà, thị trấn Nậm Nhùn và huyện Sìn Hồ. Kết thúc giải đấu, giải nhất thuộc về đội đua xã Lê Lợi 2, giải nhì thuộc về huyện Sìn Hồ và giải ba thuộc về xã Nậm Hàng./.