Một số vấn đề đặt ra trong bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Lai Châu
Chủ nhật - 30/12/2018 04:152.5290
Là tỉnh vùng cao có 20 dân tộc cùng sinh sống, ngoài dân tộc Kinh có 19 dân tộc thiểu số chiếm trên 85%. Tiếng nói và chữ viết là một tiêu chí quan trọng để xác định thành phần tộc người. Cùng với chữ viết, tiếng nói là một thành tố cơ bản của văn hóa. Trên thực tế, những thành tố này đang có nguy cơ mai một ở một số thành phần dân tộc thiểu số.
Về tiếng nói
Với đặc điểm sinh sống theo cộng đồng bản (thôn), 19 dân tộc thiểu số hầu hết còn bảo tồn được tiếng mẹ đẻ. Không chỉ các dân tộc có dân số đông mà cả những dân tộc có dân số rất ít trên địa bàn như: Cống, Mảng, Si La, Kháng, La Hủ…. khi giao tiếp giữa các thế hệ trong gia đình và giao tiếp với người cùng dân tộc hay khi cầu cúng, ca hát…họ vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, việc sử dụng song ngữ Tiếng Việt, tiếng dân tộc và đa ngữ khá phổ biến. Không ít người ngoài tiếng mẹ đẻ còn nghe, nói thông thạo tiếng của một số dân tộc khác, nhất là 4 dân tộc có dân số đông là Mông, Thái, Dao, Hà Nhì, đều ảnh hưởng tới các dân tộc khác trong việc giao tiếp bằng tiếng nói.
Anh Lý Văn Pán - Bí thư kiêm Trưởng bản Nậm Bon 1, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên cho biết: “Bản có 64 hộ, các chủ hộ đều là người Giáy, tuy nhiên vẫn có một số hộ có kết hôn với đồng bào dân tộc Thái, Kinh, Lào, Nùng nhưng số lượng không nhiều. Khi họ về làm dâu, rể của người Giáy, hầu hết họ đều nói được tiếng Giáy. Trong đám tang, đám cưới, họp bản, sinh hoạt Chi bộ hay sinh hoạt gia đình họ đều nói tiếng Giáy. Các cháu học sinh, kể cả đang học mầm non vẫn biết sử dụng cả tiếng Giáy và Tiếng Việt. Trong khi đó, cả bản giờ đều không biết chữ viết của người Giáy và chữ viết của người Thái nhưng họ lại nói rất thành thạo tiếng Giáy và tiếng Thái”.
Qua khảo sát bản Nậm Bon 1, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên và bản San Thàng 1, xã san Thàng, thành phố Lai Châu với một số cá nhân là người dân tộc Giáy trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, người Giáy vẫn giao tiếp thường ngày với người cùng dân tộc là tiếng mẹ đẻ. Nhưng một bộ phận dân tộc Giáy và dân tộc Kháng ở Lai Châu khi kết hôn với dân tộc Thái lại sử dụng tiếng Thái là chính. Khi giao tiếp với người Kinh họ dùng tiếng Việt và một bộ phận người Giáy ở huyện Mường Tè, Nậm Nhùn còn nói thông thạo tiếng Quan Hỏa, tiếng Hà Nhì. Trong các bài cúng, tiễn đưa hồn người chết, những người thầy cúng vẫn lưu giữ được việc đọc và viết tiếng của dân tộc Giáy, Kháng nhưng thường ở dạng phiên âm từ chữ quốc ngữ.
Các cộng đồng dân cư sinh sống tại các xã biên giới chịu ảnh hưởng của tiếng “Quan Hỏa” và kinh tế - văn hóa của các dân tộc bên kia biên giới (Trung Quốc), tiêu biểu như dân tộc Dao tại xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ. Toàn xã có hơn 80% đồng bào là người Dao, hầu hết họ đều nói song song tiếng Việt, tiếng Dao. Trong khi trao đổi các hoạt động thương mại với người Trung Quốc họ lại sử dụng tiếng Quan Hỏa hoàn toàn. Khi giao tiếp với những người thân trong sinh hoạt gia đình, họ dùng tiếng Dao, đôi khi nói tiếng Việt. Điều kiện địa lý có ảnh hưởng lớn đến tiếng nói của mỗi đồng bào. Tương tự như vậy, người Dao ở bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên vốn sống thành cộng đồng (trong một bản), bản có 72 hộ, 375 nhân khẩu, gần 100% là người Dao, có 05 nhân khẩu là người Thái về ở rể. Bản chủ yếu nói tiếng Dao trong giao tiếp, sinh hoạt thường ngày. Khi đến trụ sở UBND xã, trường học họ mới nói tiếng Việt. Trẻ em từ 5 tuổi trở lên đều biết nói tiếng Việt và tiếng Dao. Chỉ có người già khoảng 60 tuổi trở lên và một số phụ nữ gần 50 tuổi, ít giao tiếp và ít đi xa khỏi bản nên họ biết tiếng Việt không nhiều. Một số người Thái sống tại bản cũng biết nói tiếng Dao, do kết hôn cùng người Dao và sinh sống tại bản có nhiều người Dao nên họ cũng dần hòa vào văn hóa của người Dao.
Người Khơ Mú trên địa bàn tỉnh Lai Châu đứng thứ 8 trên tổng số 19 dân tộc thiểu số. Họ đều biết nói tiếng Khơ Mú nhưng thường sống đan xen với các dân tộc khác. Khảo sát tại bản Hô Ta, xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên có 146 hộ, 669 nhân khẩu, có 70% là đồng bào Khơ Mú, còn lại là sống cùng với đồng bào dân tộc Kinh, Thái, Dao, Mông. Trong khi họp bản và sinh hoạt đời sống thường ngày đa số họ lại sử dụng tiếng Việt và tiếng Thái, chỉ có các gia đình là người Khơ Mú hoàn toàn thì mới sử dụng tiếng Việt và tiếng Khơ Mú. Tuy nhiên, qua khảo sát bản Hô Ta và một số người Khơ Mú trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết đồng bào Khơ Mú nói thành thạo tiếng Thái.
Một số dân tộc thiểu số ở Lai Châu hiện nay như: dân tộc Hoa, Phù Lá, Tày, Nùng, Mường do dân số ít và không cư trú tập trung thành cộng đồng mà phân tán rải rác trong các bản của 4 dân tộc có dân số đông như Thái, Dao, Mông, Hà Nhì và gần như hòa vào các dân tộc này, đa số họ nói tiếng Thái.
Như vậy có thể thấy, hầu hết các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều giữ được tiếng mẹ đẻ nhưng nguy cơ mai một trong tương lai là rất cao.
Về chữ viết
Tỉnh Lai Châu có 6 dân tộc được xác định là có chữ viết: Dao, Thái, Mông, Lào, Lự, Hoa. Tuy nhiên, hiện có 02 dân tộc (Thái, Dao) sử dụng chữ viết dân tộc trong hoạt động văn hóa, nhưng số người biết viết chữ này không nhiều.
Chữ viết của người Thái còn được lưu giữ và hiện đang có một số lớp của các nghệ nhân dân gian truyền dạy ở huyện Phong Thổ, Than Uyên. Chữ viết của dân tộc Dao còn được bảo tồn trong một số cuốn sách và đang có 01 lớp truyền dạy tại xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ. Tuy nhiên, chữ viết của người Dao là bộ chữ hình khối kiểu chữ Hán, khó học và chỉ sử dụng trong các nghi lễ, tín ngưỡng. Chữ viết của dân tộc Lự, Lào ở Lai Châu đã mai một. Các dân tộc Lào, Lự vốn có chữ viết tương tự như dân tộc Thái, nhưng hiện nay chỉ còn rất ít người biết (chủ yếu là người cao tuổi). Trong chuyến khảo sát tại xã Bản Hon, huyện Tam Đường chúng tôi được biết, chữ của đồng bào Lự vẫn đang còn lưu giữ ở trong một số bản khai sinh (viết trên mảnh vải nhỏ), một số người lớn tuổi nhớ được mặt chữ của dân tộc mình nhưng lại không thể đọc được hết một câu có nghĩa. Người dân tộc Hoa sinh sống tại tỉnh Lai Châu với số lượng không nhiều nên không sử dụng chữ Hán, đa số sống đan xen với các dân tộc khác nên trong các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, họ không sử dụng chữ Hán. Dân tộc Mông hiện tại có chữ viết do nhà nước mới xây dựng và hiện nay số cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trên địa bàn tỉnh thường theo học kiểu chữ này. Tuy nhiên, trong các hoạt động văn hóa, sinh hoạt thường ngày, đồng bào dân tộc Mông lại ít sử dụng chữ viết này.
Từ một số vấn đề trên, chúng tôi thiết nghĩ, nguy cơ mai một ngôn ngữ của dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Ngoài việc tỉnh đang tiếp tục bảo tồn lưu giữ bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc và tập hợp một số lớp truyền dạy chữ viết dân tộc Thái tại huyện Than Uyên, Phong Thổ thì việc khôi phục chữ viết cho một số đồng bào cũng cần phải tính tới cách làm “bền vững” là phải có cơ chế, chính sách riêng trong thời gian tới để việc người dân tộc thiểu số vừa nói, viết thông thạo tiếng Việt nhưng vẫn phải nói và viết được ngôn ngữ của chính dân tộc mình. Đồng thời người dân tộc Kinh công tác, sinh sống tại Lai Châu cũng có thể nói và viết thông thạo một ngôn ngữ của một dân tộc thiểu số./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế