Tỉnh ủy Lai Châu

http://laichau.dcs.vn


Hội nghị trực tuyến về phòng cháy chữa cháy

Sáng 12/9, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/17/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng phòng cháy và chữa cháy. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh.

Trong 5 năm (2017 - 2021), toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy làm chết 433 người, bị thương 790 người; tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính hơn 7 tỷ đồng và hơn 7ha rừng. Ngoài ra, xảy ra 2.769 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, bị thương 190 người, thiệt hại về tài sản hơn 1 tỷ đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy làm chết 57 người, bị thương 52 người; tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính hơn 500 tỷ đồng và 39ha rừng; 2.376 vụ sự cố nhỏ liên quan đến cháy. Xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết, bị thương 11 người. Nguyên nhân chủ yếu do: sự cố hệ thống, thiết bị điện; bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; đốt; tai nạn giao thông; vi phạm quy định an toàn về PCCC…

Trong 5 năm qua, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động 235.208 lượt cán bộ, chiến sĩ và 30.435 lượt phương tiện tham gia tổ chức CNCH đối với 17.938 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người; tìm được 3.350 thi thể nạn nhân bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Trước tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp tại khu dân cư, trong thời gian qua, Bộ Công an đã ban hành 2 kế hoạch chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH mở 2 đợt cao điểm tuyên truyền, tổng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Theo đó, đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn về PCCC và CNCH trên 23 triệu lượt đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; vận động 2,8 triệu hộ gia đình chủ động tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện phục vụ việc thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố, tai nạn xảy ra.

Đối với tỉnh Lai Châu, từ tháng 8/2017 - 5/2022 xảy ra 10 vụ cháy, 1 vụ nổ, 9 vụ sạt lở đất, đá; 35 vụ tai nạn đuối nước và một số tai nạn khác… làm 54 người chết và bị thương, tài sản thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 5.559 đội PCCC cơ sở với hơn 24.000 đội viên; củng cố kiện toàn 106 đội dân phòng ở trên 956 thôn, bản, tổ dân phố với hơn 9.000 đội viên. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 5.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC với 470 cơ sở có nguy cơ về cháy, nổ.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị các đại biểu chủ yếu tập trung vào vấn đề: công tác quản lý về PCCC và CNCH của ngành; nêu lên những khó khăn, hạn chế cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện tốt công tác PCCC và CNCH trong thời gian tới để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định công tác PCCC và CNCH là 1 trong những nhiệm vụ quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, góp phần tạo môi trường an toàn lành mạnh. Tuy nhiên trong thời gian qua, công tác PCCC và CNCH còn có nhiều hạn chế như: công tác quản lý buông lỏng thiếu chặt chẽ, các lực lượng chưa phối hợp với nhau, công tác thanh tra kiểm tra chưa quyết liệt, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh; hạ tầng PCCC không được đầu tư đồng bộ; công tác quy hoạch chưa coi trọng công tác PCCC; việc ứng dựng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PCCC chưa cao… là những nguyên dân dẫn tới các vụ cháy, nổ thương tâm.

Dự báo thời gian tới tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp. Do đó đồng chí đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ tình hình cháy nổ, CNCH là vấn đề nghiêm trọng, nhất là thành phố lớn, khu dân đông cư, khu công nghiệp, chợ, siêu thị, quán bar đòi hỏi phải tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng; nâng cao nhận thức của người dân về công tác PCCC và CNCH; thấm nhuần quan điểm: người dân phải là trung tâm, là chủ thể trong phòng cháy nổ và CNCH, đảm bảo an toàn tính mạnh của người dân là trước hết, an toàn cháy nổ góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội; đặt ra mục tiêu cao hơn đó là ngăn chặn, đẩy lùi và chấm dứt để xảy ra hậu quả chết người, hậu quả nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan; kiện toàn, củng cố các lực lượng PCCC và CNCH tại chỗ, …

Tác giả: Bạch Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down