Tỉnh ủy Lai Châu

http://laichau.dcs.vn


Tọa đàm Phân tích các Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI), Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2021

Ngày 31/5, tỉnh Lai Châu tổ chức Tọa đàm Phân tích các Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Lai Châu và Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI), Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố năm 2021. Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự và chỉ đạo Tọa đàm.
Quang cảnh Hội nghị
Các đồng chí: Tống Thanh Hải - UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ chủ trì Tọa đàm. Dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố, đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan…

Phát biểu quán triệt và chỉ đạo Tọa đàm, đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thời gian qua. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, kiến nghị của các chuyên gia để có biện pháp cụ thể, thiết thực cải thiện các chỉ số cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ dân chủ, hiện đại, kỷ cương, công khai minh bạch, nâng cao thứ hạng, chất lượng chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo lập, hình thành môi trường đầu tư kinh doanh thực sự minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, góp phần tăng cường thu hút đầu tư, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra…
 
81 Nguyễn Nga 1
Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày tóm tắt dự thảo báo cáo tình hình thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 và những năm tiếp theo. Theo đó, PCI năm 2021 được đánh giá trên 10 chỉ số thành phần để phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. PCI của tỉnh năm 2021 đạt 61,22 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2020. Trong 10 chỉ số thành phần có 3 chỉ số tăng điểm và tăng hạng gồm: Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…

Tại Tọa đàm, đồng chí Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phân tích chỉ số PCI năm 2021 tỉnh Lai Châu và các khuyến nghị giúp tỉnh định hướng giải pháp cụ thể nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Đồng chí nhấn mạnh chỉ số tính minh bạch là một chỉ số ấn tượng của tỉnh đạt được và đứng đầu cả nước đạt 7,28 điểm. Đồng chí cũng khuyến nghị tỉnh cần tăng cường đào tạo nhân lực có tay nghề, chất lượng cao… phát huy lợi thế của tỉnh trong việc cung ứng nguồn lao động, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo sự đóng góp thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm cho lao động địa phương…

Cũng tại tọa đàm, lãnh đạo Sở Nội vụ đã báo cáo tóm tắt dự thảo báo cáo phân tích Chỉ số PAR INDEX tỉnh Lai Châu năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp năm 2022 và những năm tiếp theo. Năm 2021, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh đạt 86,69 điểm, xếp vị trí thứ 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 hạng so với năm 2020. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 86,81% (tăng 2,67% so với năm 2020) xếp vị trí thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Qua 10 năm đánh giá, Chỉ số PAR INDEX tỉnh đã có những cải thiện, được các bộ, ngành ghi nhận thông qua công tác theo dõi, đánh giá thẩm định, từ 66,46% (năm 2012) tăng lên 86,69% (năm 2021), thứ hạng tăng bậc từ 59 (năm 2012) lên thứ tự 31 (năm 2021)...

Khuyến nghị các giải pháp cải thiện Chỉ số PAR INDEX tỉnh Lai Châu năm 2022, đồng chí Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đã nêu những giải pháp quan trọng trong cải cách các thủ tục hành chính. Trong đó nhấn mạnh, tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; gắn kết, kết nối các đơn vị ngành dọc tại địa phương; quan tâm đến các mô hình, sáng kiến cải cách hành chính để vận dụng vào thực tiễn tại đơn vị, địa phương…

Cũng tại Tọa đàm, tỉnh cũng đã công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố (DDCI) năm 2021. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông xếp hạng thứ nhất với 82,90 điểm. Đối với 8 huyện, thành phố, Huyện Tam Đường xếp hạng thứ nhất với 83,23 điểm. Đồng thời, công bố chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố năm 2021. Trong đó, Sở Tư pháp xếp hạng thứ nhất với 88,53 điểm. Đối với cấp huyện, thành phố: Huyện Than Uyên đạt 78,51 điểm xếp hạng thứ nhất.

Thảo luận tại Tọa đàm, đại diện các sở, ngành, địa phương đã tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) tỉnh Lai Châu trong năm 2022 và những năm tiếp theo; giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền điện tử và xây dựng chính quyền số...

Phát biểu kết luận Tọa đàm, đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã biểu dương những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của các đơn vị, địa phương năm 2021. Đồng thời đề nghị, người đứng đầu các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, quyết tâm xây dựng nền “Hành chính phục vụ”... 

Tác giả: Nguyễn Nga

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down