Tỉnh ủy Lai Châu

http://laichau.dcs.vn


Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW trên địa bàn tỉnh Lai Châu

Xác định được vai trò quan trọng của nền y học cổ truyền trong công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TW, ngày 4/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền trên địa bàn, qua đó góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khỏe cho nhân dân.
Trên tinh thần thực hiện Chỉ thị của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, vị trí của việc phát triển nền Đông y và Hội Đông y Việt Nam trong việc khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Việc tổ chức xây dựng hệ thống khám chữa bệnh bằng đông y trong toàn tỉnh được củng cố, kiện toàn. Năm 2009, bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh được thành lập với 8 khoa, phòng thực hiện chức năng khám, chữa bệnh bằng phương pháp đông y. Bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập Khoa Đông y - Phục hồi chức năng. Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, Trung tâm y tế các huyện, thị có bộ phận hoặc tổ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền lồng ghép trong khoa Nội hoặc khối Nội-nhi-lây. Một số trạm y tế xã có y sỹ y học cổ truyền. 100% trạm y tế xã có vườn cây thuốc nam mẫu với 7 nhóm, 40 loại cây thuốc nam theo danh mục quy định của Bộ Y tế như các nhóm cây về đường tiêu hóa, hô hấp, nhóm trị cảm cúm v.v... Trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được bổ sung, nâng cấp, mua sắm mới các trang thiết bị hiện đại, như: Máy chụp X quang, siêu âm, máy điều trị bằng chiếu tia Laser, Điện từ trường cao áp, đèn hồng ngoại… để kết hợp một cách hài hòa giữa đông y và tây y trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân, góp phần làm giảm chi phí cho người bệnh, hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển tuyến, vượt tuyến.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về công tác y học cổ truyền cho đội ngũ cán bộ y tế các cấp được quan tâm thực hiện, nhất là đối với đội ngũ cán bộ tại các tuyến y tế cơ sở.

Ngay sau khi được thành lập, Hội Đông y tỉnh đã phối hợp với ngành y tế trong khám, chữa bệnh bằng đông y và quản lý nhà nước về đông y, đông dược. Thống nhất phân công, phân cấp hợp lý giữa ngành và hội các cấp trong nhiệm vụ phát triển về đông y trên địa bàn tỉnh. Thực hiện việc kết hợp giữa đông y và tây y một cách hài hoà và hiệu quả. Phối hợp các ngành tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, khảo sát triển khai thực hiện việc phát triển nền đông y và Hội Đông y được tiến hành hằng năm, đảm bảo yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 24 -CT/TW vẫn còn một số hạn chế, khó khăn đó là: Tỉnh chưa có chính sách đặc thù trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích các lương y cống hiến và chuyển giao các bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm phòng, chữa bệnh bằng đông y, khuyến khích truyền nghề cho các thế hệ sau. Chưa có chương trình hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến dược liệu và trao đổi chuyên gia về đông y. Hệ thống y tế vẫn còn chậm đổi mới, chất lượng của công tác khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân. Trình độ của đội ngũ cán bộ y tế còn hạn chế đặc biệt cấp xã. Trang thiết bị y tế còn thiếu và chưa đồng bộ. Việc sưu tầm các cây, con, bài thuốc quý vẫn chưa được triển khai thực hiện. Công tác vận động những người có bài thuốc gia truyền, lương y cống hiến các phương thuốc, bài thuốc hay để chữa bệnh hiệu quả chưa cao.

Từ những kết quả nêu trên, Tỉnh ủy đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:  Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới. Tiếp tục kiện toàn hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và quản lý nhà nước về đông y ở các tuyến. Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện để chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển y, dược học cổ truyền đến năm 2020. Xem xét và phê duyệt Hội Đông y là Hội đặc thù (theo Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù). Xây dựng kế hoạch hoạt động, củng cố tổ chức, cơ sở vật chất cho hoạt động Hội; phát triển hội viên, kết hợp với Sở Y tế trong quản lý hành nghề của hội viên. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân gắn với tăng cường đầu tư của nhà nước. Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trên lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh, nuôi trồng, chế biến dược liệu và trao đổi chuyên gia về đông y. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập các cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất, kinh doanh thuốc đông y, phát triển vùng trồng cây dược liệu.

Tác giả: Hoàng Hợi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down