Tỉnh ủy Lai Châu

http://laichau.dcs.vn


Báo chí góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh

Năm 2020, diễn ra nhiều sự kiện chính trị-xã hội quan trọng của đất nước và của tỉnh, các cơ quan báo chí của tỉnh, báo Trung ương thường trú tại tỉnh đã thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về những tiềm năng thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giao ban báo chí thường kỳ - Khẳng định vai trò định hướng của báo chí
Bám sát sự chỉ đạo, định hướng và căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, các cơ quan báo chí đã chủ động xây dựng kế hoạch trên từng số báo, chương trình phát thanh - truyền hình, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phù hợp với tầm vóc của từng sự kiện, gắn với tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trọng tâm là: Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V; Đại hội các đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIV; các ngày kỷ niệm, lễ lớn của đất nước, tỉnh. 

Đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, miền đất, văn hóa, con người, tiềm năng thế mạnh và các chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Báo Lai Châu thường kỳ xuất bản 3 kỳ/tuần, số lượng phát hành 2.800 tờ/1kỳ. Báo Lai Châu cuối tuần xuất bản 1 kỳ/tuần, số lượng phát hành 2.800 tờ/1 kỳ. Báo dành cho đồng bào các dân tộc vùng cao 3 kỳ/1 tháng, số lượng phát hành 4.300 tờ/1 kỳ. Trong năm 2020, Đài Phát thanh - Truyền hình sản xuất: 5.056 chương trình, chuyên đề, bản tin, chuyên mục, tiểu mục; Khai thác, mua bản quyền 3.591. Thực hiện 7.334 tin; 4.633 bài, phóng sự; gửi gần 500 tin, bài, chuyên mục phát trên sóng VTV1, VTV5 Đài Truyền hình Việt Nam và các Đài VTC, VTC1, VTC14, VTC16, HTV, Truyền hình Quốc phòng…; 36 chương trình truyền hình tiếng Thái, 36 chương trình truyền hình tiếng Mông, 36 chương trình truyền hình tiếng Dao phát trên VTV5- Đài THVN; 60 chuyên mục, phóng sự gửi cổng thông tin điện tử khu vực. Các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại tỉnh thông tin tuyên truyền các sự kiện chính trị-xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, miền đất, con người Lai Châu với cả nước và thế giới; thực hiện trên 2.000 tin, bài, phóng sự truyền hình, chuyên đề ảnh, ảnh tuyên truyền về Lai Châu trên báo chí trung ương. 

 Chú trọng tuyên truyền phản ánh các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, việc triển khai các chương trình, dự án, mô hình kinh tế hiệu quả cao, chương trình xây dựng nông thôn mới; các chương trình, dự án đầu tư cho đồng bào miền núi; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội; công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng… Báo chí đã vào cuộc tuyên truyền phản ánh kịp thời, đúng định hướng tình hình thiên tai, góp phần kêu gọi các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân chung tay giúp Nhân dân vùng bị thiên tai khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống...

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho các tầng lớp Nhân dân về tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, nguy cơ lây bệnh, cách phòng, chống dịch bệnh và phản ánh kịp thời sự nỗ lực, quyết tâm phòng, chống dịch bệnh của các cấp, các ngành, đặc biệt việc chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về cách ly toàn xã hội, thông tin kịp thời sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của các tầng lớp Nhân dân chung tay phòng chống dịch, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; chủ truơng, đuờng lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nuớc về công tác quân sự - quốc phòng và nhiệm vụ quân sự - quốc phòng của địa phương. Các cơ quan báo chí tỉnh đã tích cực hơn trong việc tuyên truyền đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xấu độc, âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Tuyên truyền đấu tranh việc lợi dụng vấn đề tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo tuyên truyền đạo trái pháp luật, tà đạo, đạo lạ, tuyên truyền thành lập “Nhà nước Mông”; hoạt động xuất - nhập cảnh trái phép; vấn đề biển, đảo và biên giới đất liền trên địa bàn tỉnh; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, tội phạm mua bán người; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội...

Đồng thời báo chí cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung, Lai Châu nói riêng; tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương; các hoạt động ngoại giao, đối ngoại Nhân dân, nhất là quan hệ hữu nghị, hợp tác với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các tỉnh phía Bắc nước CHDCND Lào; các hoạt động kết nghĩa chính quyền, kết nghĩa cụm dân cư, giao lưu văn hóa thường niên của nhân dân các địa phương khu vực bên biên giới.

Phát hiện, biểu dương kịp thời những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là những kinh nghiệm hay, việc làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực, có tác dụng cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh học và làm theo. Đồng thời, báo chí cũng tích cực phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, những khó khăn, bất cập ở cơ sở. Qua đó đã giúp cho các cấp, các ngành có thêm căn cứ, điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở; củng cố niềm tin của Nhân dân các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động báo chí của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Một số chuyên mục tin, bài chất lượng, nội dung, hình thức tuyên truyền còn hạn chế, chưa có chiều sâu, hiệu quả tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu. Báo chí còn dè dặt trong việc tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ít các bài viết nghiên cứu, phân tích chuyên sâu những hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái thù địch trên báo chí tỉnh còn hạn chế, chủ yếu là trích dẫn nguồn các bài viết của Trung ương. 

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong tình hình mới đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và các cơ quan báo chí trong tỉnh phải bám sát định hướng chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, nhiệm vụ chính trị của địa phương, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng thông tin tuyên truyền. Tăng cường đoàn kết, xây dựng Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí trong tỉnh thật trong sạch, vững mạnh. Đề cao tính tư tưởng, tính hấp dẫn; xây dựng đội ngũ nhà báo giỏi nghề, có bản lĩnh chính trị, đạo đức vững vàng, biết chọn đề tài, khai thác, xây dựng nguồn tin và cách thể hiện phù hợp với đời sống hiện tại. Thực hiện nghiêm các quy định của Luật Báo chí năm 2016 và 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo; Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/4/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Chú trọng tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; trọng tâm là những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương diễn ra trong năm 2021 (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026...);  chủ động đấu tranh với những thông tin, luận điệu sai trái, nhất là những thông tin xấu độc trên mạng Internet của các thế lực thù địch, phản động nhằm xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước trong các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2021./.
 

Tác giả: Khánh Ly

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down