Tỉnh ủy Lai Châu

http://laichau.dcs.vn


Lai Châu vận dụng và thực hiện Đề cương Văn hóa của Đảng

Đề cương Văn hóa của Đảng ra đời năm 1943 được coi là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam về văn hóa, trải qua hơn 73 năm từ khi được thành lập (10/10/1949) đến nay, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã luôn quán triệt và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương trong từng giai đoạn cách mạng và tập trung lãnh đạo thực hiện có hiệu quả.
Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư
Cách đây 80 năm vào tháng 2 năm 1943 Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được Ban Thường vụ Trung ương Đảng thông qua. Đề cương đã xác định rõ phạm vi, vị trí, nội dung và vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa; cách mạng muốn thành công nhất thiết phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo; để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững ba nguyên tắc vận động: “Dân tộc, đại chúng và khoa học”; xây dựng một nền văn hóa mới cần nhiều hình thức, đồng thời phải kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ “xây” và “chống”, trong đó “xây” là chính, “chống” là quan trọng. Có thể khẳng định đây là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa; có ý nghĩa khai sáng, mở đường cho văn hóa Việt Nam phát triển. Trải qua 80 năm Đảng ta đã luôn kiên trì lãnh đạo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam theo ba nguyên tắc vận động: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa; luôn đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, để từ đó phát triển và cụ thể hóa thành các tư tưởng về “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII), tư tưởng về “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách của con người” (Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI). Đồng thời, Đề cương văn hóa còn khai mở cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa, tiếp tục soi đường cho nền văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới.

Nằm ở vùng miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 20 dân tộc cùng chung sống đã tạo cho Lai Châu một nền văn hóa độc đáo, phong phú và mang đậm bản sắc các dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng và vai trò của văn hóa trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển địa phương, kể từ khi Ban cán sự Đảng (tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh ngày nay) được thành lập, Ban cán sự Đảng (Đảng bộ tỉnh) đã luôn quán triệt và vận dụng, cụ thể hóa Đề cương Văn hóa của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương trong từng giai đoạn cách mạng và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, trong chiến tranh bảo vệ biên giới, Đảng bộ lãnh đạo Nhân dân các dân tộc xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, đóng góp nhiều công sức, vật lực cho các cuộc kháng chiến với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng kẻ thù xâm lược”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, giúp đỡ bộ đội diệt phỉ, trừ gian; đoàn kết đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc của kẻ thù, giữ vững an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền biên giới; anh em các dân tộc cùng đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, giải quyết nạn đói, dịch bệnh, mù chữ nhằm ổn định đời sống; thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế... góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng của dân tộc.

Bước vào giai đoạn mới, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Đồng bào các dân tộc cùng đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau khắc phục hậu quả chiến tranh, ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ổn định và phát triển. Tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc xóa bỏ các tập tục lạc hậu, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết, thực hiện nép sống văn minh trong việc tang, việc cưới; bài trừ mê tín, dị đoan; thay đổi tập quán canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội; chăm sóc sức khỏe, nâng cao dân trí; tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác và chủ động đấu tranh với âm mưu “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch....

Đặc biệt sau khi chia tách, thành lập tỉnh năm 2004, cùng với việc tập trung lãnh đạo củng cố kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ tỉnh cũng quan tâm lãnh đạo cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa. Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, đề án về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu xây dựng các đề tài, đề án, trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, như: Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 28/6/2016 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020; Đề án của Tỉnh ủy về “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”; Đề tài khoa học của Ban Dân vận Tỉnh ủy về “Nghiên cứu tập tục tín ngưỡng của dân tộc vùng cao và các giải pháp bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”; Đề tài của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về “Giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Mông, góp phần ổn định đời sống vật chất, đời sống tinh thần của đồng bào trên địa bàn tỉnh Lai Châu”; Đề án của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch về kiểm kê lập danh mục bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống 13 dân tộc trên địa bàn tỉnh...

Công tác quản lý nhà nước và di sản văn hóa được tăng cường; hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư; gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của Nhân dân các dân tộc trong việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; cùng với quan tâm phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc và nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Đến nay toàn tỉnh đã tiếp nhận, sưu tầm trên 31.000 hiện vật, trong đó có gần 1.900 hiện vật văn hóa dân tộc; kiểm kê lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng; phối hợp tổ chức mở được hàng chục lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc. Sưu tầm, bảo tồn tri thức dân gian của hai dân tộc (Dao và Hà Nhì); 6 làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc: Thái, Si la, Lự, Mông, Hà Nhì, Dao; phục dựng được 16 lễ hội của các dân tộc, đồng thời hằng năm duy trì tổ chức 40 lễ, lễ hội. Một số địa phương bước đầu đã khai thác hiệu quả văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng vừa thu hút được đông đảo du khách, vừa bảo tồn, lưu giữ và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nổi bật như: bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ; bản Vàng Pheo, xã Mường So của huyện Phong Thổ; bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu; bản Lao Chải I, xã Khun Há của huyện Tam Đường; bản Gia Khâu, xã Nậm Loỏng; bản San Thàng, xã San Thàng của Thành phố Lai Châu... Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư, đến nay toàn tỉnh có 955 đội văn nghệ quần chúng trong đó có 858 đội hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về lượng và chất, từng bước đi vào chiều sâu. Tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh được khơi dậy; truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí tự lực, tự cường... ngày càng được phát huy; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao có sự phát triển và hướng mạnh về cơ sở. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư, phát huy hiệu quả.

Trải qua hơn 70 năm quán triệt và vận dụng thực hiện Đề cương Văn hóa của Đảng, Lai Châu đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, môi trường văn hóa xã hội ở cộng đồng dân cư ngày càng tiến bộ, văn minh.

Trước yêu cầu phát triển của tỉnh Lai Châu trong tình hình mới, Đảng bộ tỉnh xác định tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, nhằm tiếp tục xây dựng văn hóa và con người Lai Châu đoàn kết, nhân văn, giàu lòng yêu nước; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân các dân tộc. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước động viên, khuyến khích, tạo không khí sôi nổi trong mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia, cống hiến vào mọi hoạt động của đời sống xã hội, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”./.

Tác giả: Trường Giang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down