Tỉnh ủy Lai Châu

http://laichau.dcs.vn


Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển giáo dục

Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20/7/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sau khi ban hành đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, địa phương, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc. Sau ba năm triển khai thực hiện có 24/34 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt.
Lễ khai giảng năm học 2014 - 2015 của Trường PTDT nội trú tỉnh (ảnh: KK)
Ngành giáo dục đã chú trọng thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hướng “dạy thật, học thật, chất lượng thật”, triển khai tích cực dạy học theo đối tượng, theo vùng bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng nhằm phát huy được tính tích cực, tư duy, độc lập sáng tạo của học sinh. Thường xuyên lồng ghép, tích hợp giáo dục văn hóa truyền thống, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, ý thức trách nhiệm xã hội cho học sinh phổ thông trong một số môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Mở rộng mô hình trường bán trú, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho học sinh bán trú, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, chất lượng giáo dục năm học 2013 - 2014 được nâng lên rõ rệt so với năm học 2010 - 2011: Huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,1%, tăng 0,5%, 100% trẻ 5 tuổi học chương trình giáo dục mầm non mới, tăng 64,5%; tỷ lệ học sinh Tiểu học xếp loại hạnh kiểm thực hiện đầy đủ đạt 99,3%, tăng 0,3%; xếp loại học lực khá trở lên 50,8%, tăng 11,3% (trong đó học lực giỏi 18,4%, tăng 6,7%); Tỷ lệ học sinh THCS xếp loại hạnh kiểm khá, tốt đạt 89,0%, tăng 1,9% và học lực khá, giỏi 30,9%, tăng 8,4% (trong đó học lực giỏi 4,1%, tăng 1,5%), xét tốt nghiệp THCS đạt 99,67%, tăng 0,8%; Tỷ lệ học sinh THPT xếp loại hạnh kiểm khá, tốt 88,5%, tăng 4,4% và học lực khá, giỏi 32,3%, tăng 14,3% (trong đó học lực giỏi 2,3%, tăng 1,2%). Kết quả tốt nghiệp THPT: 99,55 (tăng 7,66% so với năm 2011). Học sinh giỏi quốc gia năm: 2011 có 04 giải; 2012 có 01 giải; 2013 không có giải; năm 2014 có 07 giải (03 giải ba, 04 giải khuyến khích), lần đầu tiên từ sau khi tách tỉnh có giải khuyến khích HSG quốc gia môn Toán học.

Chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng lên cả về phẩm chất đạo đức, năng lực và trình độ chuyên môn. Tỷ lệ nhà giáo, cán bộ quản lý có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên 98,7%, tăng 1,1% trình độ chuẩn trở lên và 9% trên chuẩn so với năm học 2010 - 2011. Công tác phát triển đảng được quan tâm thực hiện tốt, 100% trường học có đảng viên, 91,6% trường có chi bộ Đảng, tỷ lệ đảng viên toàn ngành đạt 34,4%, các cán bộ, đảng viên đã thể hiện được vai trò tiên phong gương mẫu trong mọi lĩnh vực xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và công tác chuyên môn. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có bước phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu hợp lý và cơ bản đáp ứng được yêu cầu.

Trong 3 năm, ngân sách tỉnh đã đầu tư gần 35 tỷ đồng để xóa phòng học tranh, tre, nứa, lá theo quy mô 3 cứng (mái, tường, nền). Cơ sở vật chất được đầu tư cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy và học. Hệ thống trường, lớp phát triển nhanh, kết thúc năm học 2013 - 2014 toàn tỉnh có 428 trường, 6.087 lớp, 121.824 học sinh (tăng 26 trường, 109 lớp, 14.937 HS so với năm học 2010 - 2011). Trong đó, có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú với 2.059 học sinh. Hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú được mở rộng, hiện có 59 trường với 17.009 học sinh. Toàn tỉnh hiện có 6.400 phòng học, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt 83,5% (không tính phòng học nhờ, mượn).
 
11 10 14
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm các trường học trên địa bàn xã Giang ma, huyện Tam Đường (ảnh: KK)

Đến nay, toàn tỉnh có 62 trường đạt chuẩn quốc gia. Công tác quản lý nhà nước về giáo dục được đổi mới, đẩy mạnh việc phân cấp quản lý, tăng tính tự chủ cho các cơ sở giáo dục. 100% xã, phường, thị trấn giữ vững chuẩn quốc gia công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, 108/108 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thực hiện tốt các chính sách phát triển giáo dục vùng đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa; chủ trương xã hội hóa giáo dục được quan tâm thực hiện; khuyến khích các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời.

Tuy nhiên, theo khảo sát đánh giá của cơ quan chuyên môn thì kết quả chúng ta đạt được dù có bước tiến mạnh mẽ so với khi chưa có Nghị quyết của Tỉnh ủy, nhưng so với yêu cầu thì kết quả này vẫn còn khiêm tốn. Trong 34 chỉ tiêu của Nghị quyết đề ra thì có đến 10 chỉ tiêu khả năng sẽ không đạt được theo kê hoạch dự kiến đến năm 2015 như: giạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho học sinh lớp 3, tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm thực hiện đầy đủ của học sinh tiểu học; tỷ lệ học sinh THCS, THPT xếp loại học lực khá, giỏi, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 ; một số chỉ tiêu về trình độ giáo viên, cán bộ quản lý và tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố.

Nguyên nhân có nhiều, cả khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn được xác định là cơ bản. Lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền một số nơi trong thực hiện Nghị quyết chưa thật sự quyết liệt; một bộ phận Nhân dân chưa hiểu hết vai trò, trách nhiệm trong phát triển giáo dục, đào tạo; chậm đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo ở trường học. Vẫn còn một số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thực sự tâm huyết với nghề, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ yếu; thiếu giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; tổ chức nuôi dưỡng, giáo dục học sinh nội trú, bán trú ở một số nơi chưa hiệu quả ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục và huy động học sinh ra lớp. Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chưa có chính sách hợp lý để giữ giáo viên có năng lực, trình độ chuyên môn gắn bó với nghề, với địa bàn; vẫn còn tình trạng thiếu đồng bộ trong cơ cấu giáo viên bộ môn ở các cấp học (thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh ở cấp Tiểu học). Một số học sinh, nhất là con em đồng bào một số vùng chưa có động cơ tích cực học tập.
 
19 10 14
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiểm tra sách, vở học sinh
Trường Tiểu học Giang Ma, huyện Tam Đường (ảnh: KK)

Trước thực trạng và nguyên nhân như đã nêu, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và ngành giáo dục phát huy rõ nét vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng giáo dục; đẩy mạnh phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Có chính sách ưu đãi phù hợp cho việc điều động, luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực, trình độ, tâm huyết đến công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng này. Quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; phát triển đảng viên trong trường học. Rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; kiên quyết với các trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục; thanh tra, kiểm tra đột xuất tránh “bệnh thành tích” trong giáo dục; Lấy hiệu quả công việc, số lượng, kết quả học tập của học sinh để đánh giá, xếp loại và sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên. Nhanh chóng nghiên cứu đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo; đổi mới dạy và học theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương./.

Tác giả: Hà Châu

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down