Tân Uyên phát huy lợi thế xây dựng nông thôn mới bền vững

Thứ năm - 11/03/2021 03:26 583 0
Tuy mới được chia tách, thành lập còn nhiều khó khăn, song với tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, khai thác và phát huy tốt lợi thế của địa phương, năm 2020 Tân Uyên đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới và đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Lễ công bố xã Tà Mít, huyện Tân Uyên đạt chuẩn nông thôn mới
Lễ công bố xã Tà Mít, huyện Tân Uyên đạt chuẩn nông thôn mới
Được chia tách, thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2009, huyện Tân Uyên có tổng diện tích tự nhiên 90.000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp có trên 45.000 ha, chiếm trên 50%. Nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, Tân Uyên có nhiều khe, suối, có những dải đồng bằng ở độ cao trung bình khoảng 500 - 600m so với mặt nước biển và có một phần diện tích lòng hồ thủy điện Bản Chát; với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp trong việc trồng và phát triển cây chè, cũng như nhiều loại cây trồng khác. Huyện có 10 đơn vị hành chính trực thuộc (9 xã và một thị trấn), dân số gần 60.000 người. Nhân dân các dân tộc trong huyện có truyền thống đoàn kết, cần cù, chụi khó, sáng tạo trong lao động sản xuất, không cam chịu đói, nghèo... là những lợi thế cơ bản để Tân Uyên phát triển kinh tế và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù thời gian đầu triển khai xây dựng nông thôn mới còn gặp không ít khó khăn, trong điều kiện mới chia tách, thuộc huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách 30a và 135 của Chính phủ; hạ tầng nông thôn của các xã vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ; điểm xuất phát các tiêu chí thấp, đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, trong khi nguồn kinh phí bố trí hàng năm còn hạn chế; một số tiêu chí khi triển khai thực hiện còn chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương... Nhưng với tinh thần quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc và toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Tân Uyên đã phát huy tốt lợi thế, khắc phục khó khăn vươn lên thực hiện mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020.

Nhằm tạo được sự thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội, công tác tuyên truyền được đặc biệt coi trọng và tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức phong phú, với mục tiêu làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong huyện nhận thức rõ và thấy được tầm quan trọng để xây dựng nông thôn mới, đây là một chương trình lớn mang tính tổng hợp về kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, do đó đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; hiểu rõ nội dung, cách làm, nghĩa vụ và trách nghiệm của từng tổ chức, cá nhân trong xây dựng nông thôn mới, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác tuyên truyền miệng được đẩy mạnh, giai đoạn 2011 - 2020 toàn huyện đã tổ chức trên 3000 buổi tuyên truyền, với gần 200.000 lượt người tham gia. Hệ thống truyền thanh, truyền hình địa phương vào cuộc tích cực, trong 10 năm Đài Truyền thanh -  Truyền hình huyện đã tuyên truyền được trên 300 chương trình, với hơn 200 giờ phát sóng về xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, công tác tuyên truyền trực quan cũng được đẩy mạnh với hàng trăm lượt băng zôn, pano, áp phíc, khẩu hiệu. Vai trò của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội được phát huy, đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, quần chúng Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, gắn với triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tập trung vào 5 nội dung: đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tương thân, tương ái; đoàn kết xây dựng môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Qua đó, đã góp phần tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới.

Trong triển khai thực hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, thành lập hệ thống ban chỉ đạo, ban quản lý từ huyện đến thôn, bản; xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, từng thành viên, phân cấp, quản lý, cụ thể, rõ ràng, không để tình trạng né tránh, tập trung lãnh đạo với phương châm “dễ làm trước khó làm sau” không nóng vội, càng không để mất cơ hội. Công tác quy hoạch sớm được triển khai thực hiện. Ủy ban Nhân dân huyện chỉ đạo cơ quan chuyện môn kết hợp với các đơn vị tư vấn trong việc triển khai lập quy hoạch chung, xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới. Kết quả, đến tháng 12/2012 đã hoàn thành lập quy hoạch chung, đề án và phê duyệt 09/09 xã. Quy hoạch chung nông thôn mới các xã được xây dựng trên cơ sở các thế mạnh của vùng, bám sát các tiêu chí, đồng thời đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của xã đến năm 2020. Đồng thời, nội dung đề án của các xã cơ bản bám sát các nội dung quy hoạch; tiến độ và giải pháp thực hiện phù hợp với kế hoạch hỗ trợ đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động các nguồn lực khác của địa phương. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện, chú trọng vào những lĩnh vực mang tính đột phá, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, vừa đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phục vụ sản xuất, giao thương, phát triển kinh tế vùng nông thôn, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong 10 năm toàn huyện đã thực hiện đầu tư nâng cấp, mở mới được 302,25 km đường giao thông nông thôn, trong đó đường trục xã, liên xã 100% được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn nông thôn mới; đường trục bản, liên bản cứng hóa đạt trên 99%. Hệ thống thông tin - truyền thông phát triển, đến nay 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, có dịch vụ viễn thông, internet theo quy định; 9/9 xã có đài và hệ thống loa truyền thanh đến thôn bản kết nối với đài truyền thanh của huyện. Cùng với đó, hệ thống thủy lợi, điện nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn cũng được quan tâm đầu tư cơ bản đạt được tiêu chí nông thôn mới. Điều ghi nhận ở đây chính là huyện đã phát huy tốt nguồn lực từ Nhân dân theo phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân”, trong 10 năm toàn huyện đã huy động từ cộng đồng dân cư, con em thành đạt xa quê và các doanh nghiệp ủng hộ, đóng góp được trên 813.000 m2 đất để làm đường và xây dựng các công trình, gần 80.000 ngày công, 11.700 triệu đồng... để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho Nhân dân được Đảng bộ huyện quan tâm lãnh đạo, với trọng tâm tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện các đề án phát triển chè, quế, mắc ca, đề án sản xuất nông sản hàng hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các chính sách từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.

Nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chế biến được triển khai hiệu quả. Đến nay Tân Uyên đang hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao (chuối, dưa lưới, chanh leo...); vùng sản xuất lương thực hàng hóa với diện tích lúa chất lượng cao 690 ha. Sản lượng lương thực hằng năm đều tăng; năm 2020 sản lượng lương thực có hạt đạt trên 32.000 tấn; tổng diện tích chè toàn huyện trên 3.100 ha; diện tích mắc ca trên 600 ha và vùng trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: Bơ, nhãn, thanh long,... trên 200 ha. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung có kiểm soát, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trung bình hằng năm đạt từ 2-4%, toàn huyện hiện có 03 trang trại nông nghiệp tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi, 225 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô gia trại. Diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện trên địa bàn được khai thác và phát huy hiệu quả, với tổng diện tích nuôi trồng đạt 132 ha, 200 lồng nuôi, tổng sản lượng đạt 500 tấn, tạo được nhiều việc làm cho nông dân và thu nhập của người dân được nâng cao, năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của huyện gần 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 10%.

Cùng với đó, các tiêu chí về văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng an ninh và trật tự xã hội nông thôn cũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, tiêu chí về môi trường là một tiêu chí khó trong quá trình thực hiện, nhưng với sự quyết tâm và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, từ tuyên truyền, vận động làm chuyển đổi nhận thức của người dân, đến phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên khu vực nông thôn, đến việc hỗ trợ, đầu tư của chính quyền các cấp... đến nay cơ bản các xã đều đạt tiêu chí này.

Sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện đã được nâng lên rõ rệt; kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế - xã hội và các hình thức tổ chức sản xuất được chuyển đổi, phát triển theo hướng đa dạng, hợp lý; nông nghiệp phát triển gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, xã hội dân chủ, bình đẳng, ổn định, phát huy bản sắc dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đến ngày 03/3/2021, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã tiến hành thẩm định công nhận xã Nậm Sỏ (xã cuối cùng của huyện) đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy đến nay Tân Uyên có 9/9 xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, huyện Tân Uyên đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là động lực rất quan trọng để huyện bước vào giai đoạn tiếp theo, xây dựng xã, bản nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới bền vững.

Để xây dựng huyện nông thôn mới bền vững Đảng bộ huyện Tân Uyên xác định: Tập trung lãnh đạo nâng cao toàn diện chất lượng các tiêu chí xây dựng xã, bản nông thôn mới nâng cao theo hướng đồng bộ, bền vững, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với công nghiệp chế biến, phát triển dịch vụ du lịch; tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng; tăng cường thu hút đầu tư trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương; bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh quảng bá rộng rãi hình ảnh của Tân Uyên; nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn; xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trong đó, công tác tuyên truyền tiếp tục được xác định là trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và mọi người dân về xây dựng xã, bản nông thôn mới nâng cao, tạo sự thống nhất trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong toàn xã hội để triển khai thực hiện. Đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả việc quản lý và sử dụng các nguồn đầu tư, các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và các ngành, đoàn thể vào địa phương gắn với khai thác và phát huy tốt mọi tiềm lực của huyện, của doanh nghiệp và người dân. Tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất, tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực, có lợi thế so sánh; khai thác tiềm năng thế mạnh về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và tiêu thụ sản phẩm có thế mạnh của từng xã, bản; xây dựng, quảng bá nhãn hiệu nông sản hàng hóa, sản phẩm văn hóa, du lịch, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tiêu chí về môi trường, trọng tâm là xây dựng cảnh quan, bảo vệ môi trường. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực...

Từ những kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và những nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định, nhất định Tân Uyên sẽ thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025 có 9 bản thuộc 9 xã và 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, mỗi xã có từ 01 sản phẩm OCOP trở lên; xây dựng huyện nông thôn mới bền vững./.

Tác giả: Đặng Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số 477/CT-UBND

Chỉ thị về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024

lượt xem: 1506 | lượt tải:61

Số: 07/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí thẩm định cấp giấy phép hoặc văn bản chấp thuận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

lượt xem: 2107 | lượt tải:687

Số: 08/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển

lượt xem: 2173 | lượt tải:238

Số: 09/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

lượt xem: 2315 | lượt tải:266

Số 10/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản

lượt xem: 1596 | lượt tải:231
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập148
  • Hôm nay39,229
  • Tháng hiện tại727,107
  • Tháng trước1,034,478
  • Tổng lượt truy cập27,621,363
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down