CHỈ THỊ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2024

Thứ hai - 04/03/2024 02:07 864 0
Ngày 26/02/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số: 03/CT-UBND về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Trang Thông tin điện tử Tỉnh ủy đăng tải toàn văn Chỉ thị như sau:
CHỈ THỊ VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2024
Năm 2023, thời tiết tỉnh Lai Châu diễn biến phức tạp, thiên tai, mưa lớn, mưa đá, sạt lở đất... gây ảnh hưởng nghiêm trọng về người và tài sản của nhà nước và Nhân dân. Dự báo năm 2024, dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp và khó lường, nhất là các loại thiên tai như: Dông lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất...

Để chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục sớm hậu quả của thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh năm 2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (Ban Chỉ huy) ở các cấp, các ngành theo quy định tại Luật Phòng, chống thiên tai và các Nghị quyết định hướng dẫn thi hành; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị trong công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo kịp thời triển khai các biện pháp phòng, tránh, ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.

2. Tiến hành tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành trong phòng, chống, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 nhằm phát huy những ưu điểm, những chương trình, dự án, công việc mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời, làm rõ nguyên nhân những mặt còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 sát với tình hình thực tế của từng ngành, địa phương và đơn vị, có tính đến yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu. Chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp, phòng, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu. Thời gian hoàn trước 31 tháng 5 năm 2024 và báo cáo kết quả về Thường trực Ban Chỉ huy tỉnh để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai; Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP, ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Kế hoạch số 60-KH/TU, ngày 13 tháng 7 năm 2020 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 1827/KH-UBND, ngày 01 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Quyết định số 37/QĐ-UBND, ngày 13 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Lai Châu năm 2025.

4. Quán triệt công tác chỉ đạo thực hiện mục tiêu: Phòng tránh là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả với phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư và phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống tai và tìm kiếm cứu nạn.

5. Củng cố mạng lưới thông tin liên lạc từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo thông tin hai chiều thông suốt trong mọi tình huống và báo cáo kịp thời để xử lý có hiệu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra. Thực hiện nghiêm chế độ trực ban, thông tin, báo cáo theo quy định.

6. Thường trực Ban Chỉ huy tỉnh có nhiệm vụ: Thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh công tác chỉ huy, điều hành, xử lý kịp thời, có hiệu quả trong việc phòng tránh, ứng phó với thiên tai.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm:

- Tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ và Nhân dân về nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Vận động Nhân dân chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng chống bảo vệ tài sản của gia đình. Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, thực hành diễn tập về các tình huống thiên tai giả định, phương án xử lý, tránh tình trạng bị động, hoảng loạn khi có thiên tai xảy ra.

- Thường xuyên nắm bắt tình hình diễn biến thiên tai để chủ động cảnh báo, thông tin kịp thời đến các xã, phường, thị trấn, thôn, bản để người dân biết, chủ động ứng phó. Tập trung rà soát các điểm dân cư, những vị trí xung yếu có nguy cơ xảy ra mưa đá, gió lốc, lũ quét, sạt lở đất,... tuyên truyền, cảnh báo Nhân dân và có phương án ứng phó kịp thời với tình huống bất lợi khi thiên tai xảy ra.

- Phối hợp với các chủ đầu tư rà soát các công trình đang triển khai thi công trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ thi công, có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ. Các địa phương có hồ, đập phải chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý tổ chức kiểm tra, phát hiện các dấu hiệu hư hỏng để có kế hoạch sửa chữa trước mùa mưa lũ, đảm an toàn công trình và khu vực dân cư ở hạ lưu.

- Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng, san ủi đất, không để xảy ra việc lấn chiếm, cản trở dòng chảy. Kiểm tra việc khai thác cát, sỏi, vật liệu xây dựng trên các sông, suối, đặc biệt dọc các sông: Đà, Nậm Na, Nậm Bum, Nậm Mu, đảm bảo khả năng tiêu thoát lũ thuận lợi và nhanh nhất.

- Chỉ đạo Ban chỉ huy cấp huyện và cấp xã tổ chức trực ban 24/24, kể cả các ngày lễ, ngày nghỉ.

8. Các sở, ban, ngành, tỉnh, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đập, hồ chứa thủy lợi, gia cố, tu sửa trước mùa mưa lũ. Đối với các công trình thủy lợi đang thi công, phối hợp với các địa phương, các chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, có biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ; hướng dẫn các huyện các biện pháp khôi phục sản xuất sau thiên tai; tổ chức tốt việc kiểm soát dịch bệnh, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Là đơn vị đầu mối, chủ trì và phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy tỉnh, các huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị liên quan... chuẩn bị lực lượng, phương tiện cần thiết để sẵn sàng tham gia giúp đỡ sơ tán Nhân dân; ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống khẩn cấp khi có thiên tai xảy ra; tổ chức công tác tìm kiếm cứu nạn theo quy định.

- Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Có trách nhiệm đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra. Huy động phương tiện, lực lượng phối hợp với các lực lượng khác để tham gia cứu hộ, cứu nạn theo sự chỉ đạo, điều động của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Đài Khí tượng thủy văn tỉnh: Nâng cao chất lượng dự báo, đặc biệt là việc dự báo sớm khả năng xuất hiện và diễn biến các tình huống phức tạp về thời tiết, cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy.

- Sở Giao thông vận tải: Có kế hoạch đảm bảo giao thông thông suốt các tuyến đường trọng điểm; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện, lực lượng khắc phục khi có sự cố giao thông xảy ra.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các đơn vị thông tin, truyền thông có phương án cụ thể, chi tiết nhằm đảm bảo mạng thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh thông suốt trong mọi tình huống.

- Sở Y tế: Chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện và thuốc y tế dự phòng; tổ chức kiểm tra và bố trí lực lượng phòng chống dịch bệnh. Xây dựng các phương án bảo đảm cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị; phân tán, sơ tán cơ sở vật chất, cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đến nơi an toàn trong các trường hợp thiên tai, thảm họa lớn, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân và cơ sở y tế; đặc biệt, đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng yếu thế.

- Sở Công thương: Chỉ đạo các chủ hồ, đập thủy điện tổ chức vận hành hồ chứa theo quy trình được phê duyệt, xây dựng và triển khai thực hiện các phương án bảo vệ an toàn hồ đập, phương án phòng chống lũ, lụt theo quy định; phối hợp với các địa phương tuyên truyền phát động trong Nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết đủ cho sử dụng và dự phòng trong mùa mưa lũ; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành liên quan có kế hoạch dự trữ và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho vùng bị thiên tai.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Triển khai thực hiện các chính sách cứu trợ kịp thời đối với các gia đình, tổ chức và cá nhân bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập kế hoạch, tổ chức tăng cường kiểm tra việc tuân thủ báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư; kiểm tra hoạt động xây dựng, khai thác tài nguyên trên các sông, suối để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kiên quyết các trường hợp lấn chiếm, khai thác không phép, trái phép gây sạt lở bờ sông, cản trở dòng chảy.

- Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Dự trù kinh phí dự phòng để cứu trợ Nhân dân khi thiên tai lớn xảy ra; có trách nhiệm giải quyết, hướng dẫn, sử dụng kinh phí phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các cấp, các ngành bảo đảm kịp thời và có hiệu quả.

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ huy tỉnh và các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho giáo viên và học sinh các cấp học kiến thức về thiên tai và biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai.

- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lai Châu, Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác truyền tin, phổ biến các thông tin dự báo, cảnh báo tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai, các chủ trương, chỉ thị, chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai đảm bảo kịp thời, chính xác; phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân những kiến thức cơ bản về tăng cường và giảm nhẹ thiên tai.

- Công ty Điện lực Lai Châu: Tăng cường kiểm tra hệ thống truyền tải thiết bị điện, trạm biến thế, công trình điện lực; đồng thời, xử lý khắc phục nhanh chóng sự cố đường dây tải điện bị hư hỏng, đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên quan và an toàn.

- Các chủ đầu tư dự án. Thực hiện nghiêm hồ sơ thiết kế thi công, báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án; rà soát tiến độ thực hiện của các dự án, đẩy nhanh tiến độ thi công và có phương án ứng phó kịp thời với tình huống bất lợi khi thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn cho công trình.

- Các sở, ban, ngành và các đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống thiên tai của ngành, đơn vị mình; xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư cần thiết để cùng phối hợp ứng cứu theo yêu cầu, chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động trong ứng phó với thiên tai; chủ động chuẩn bị, sẵn sàng phòng, chống, bảo vệ tài sản của gia đình; tích cực tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là lực lượng xung kích tại cơ sở.

10. Giao Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy tỉnh liên hệ chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Đài Khí tượng thủy văn Lai Châu theo dõi thông tin kịp thời diễn biến thời tiết để các cấp, các ngành chủ động ứng phó. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp tình hình, dự báo tình huống, đề xuất các giải pháp ứng phó với tổ chức thực hiện hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc, báo cáo kết quả về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy tỉnh (Chi cục Thủy lợi; số điện thoại trực ban: 02133.876.930; fax: 02133.876.931; email: cclt.sonnptnt@laichau.gov.vn) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.


 

Tác giả: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 4290 | lượt tải:94

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 3937 | lượt tải:100

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 4907 | lượt tải:135

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 4862 | lượt tải:111

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 6074 | lượt tải:239
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập89
  • Hôm nay15,703
  • Tháng hiện tại592,607
  • Tháng trước822,061
  • Tổng lượt truy cập34,316,433
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down