Dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh); Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và chuyên viên theo dõi Chương trình.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2023, Ban Chỉ đạo Trung ương đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy việc triển khai, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia (gồm: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới). Đến thời điểm hiện tại, cả nước có 280 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023 là 2,93%, giảm 1,1%...
Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đối với kế hoạch năm 2023: Đến ngày 31/12/2023, 100% địa phương được giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 của các Chương trình mục tiêu quốc gia đến các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc.
Đối với kế hoạch năm 2024: Đến ngày 29/02/2024, có 45/48 địa phương được giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã giao chi tiết 24.372,898 tỷ đồng theo kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2024 của các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc, đạt 89,5% kế hoạch…
Tại Phiên họp, các đại biểu đã thảo luận phát biểu ý kiến về những thuận lợi, khó khăn, kiến nghị, các giải pháp thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc lồng ghép, huy động nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia...
Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương ghi nhận những kết quả đã đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành cần rà soát lại các thông tư, quy định liên quan còn vướng mắc để đề xuất sửa đổi; phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất. Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn với tinh thần “quyết liệt, chủ động”; tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15, ngày 18/01/2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…