Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương... Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, đồng chí Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị, cùng dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Báo cáo nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững nêu rõ: Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác y tế trong giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước. Về cơ bản, ngành Y tế đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao và đạt được một số kết quả tích cực như: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021. Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sĩ trên 10.000 dân và số giường bệnh trên 10.000 dân, đạt 10 bác sỹ (chỉ tiêu giao là 9,4/10.000); số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 30,5 giường bệnh (chỉ tiêu giao là 29,5/10.000).
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Trong giai đoạn 2000-2021: Tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần. Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương…
Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Y tế trong thời gian tới: Tiếp tục tập trung kiểm soát dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm lưu hành có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mua sắm, đấu thầu, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu; xã hội hóa, quản trị đơn vị sự nghiệp công; tiêm vắc xin là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch;...
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận những vấn đề liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; kiến nghị, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho các đối tượng cơ bản đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tỉnh tập trung chỉ đạo tăng cường về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu và nâng cao sức khỏe cho Nhân dân; hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang dần hồi phục; tích cực tăng cường cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới, thực hiện chuyển giao, tiếp nhận chuyển giao gói kỹ thuật, đề án bệnh viện vệ tinh, từng bước tăng số danh mục kỹ thuật theo phân tuyến của Bộ Y tế.… Đồng thời, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị một số nội dung: Chính phủ có cơ chế chính sách thu hút, ưu đãi, huy động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng, chế biến sâu dược liệu, theo chuỗi, tăng cường thực hiện kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân; xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập (nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế cơ sở và hoạt động y tế dự phòng); bố trí ngân sách hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ theo lộ trình giảm dần trong 3 năm (100%, 70%, 50%) cho người dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã khu vực II, III chuyển thành khu vực I và các xã mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; …
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của ngành Y tế thời gian qua, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua. Đồng chí nhận định công tác y tế thời gian tới tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, Thủ tướng Chính phủ đề nghị ngành Y tế cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ theo hướng thực chất, hiệu quả và bền vững; nêu cao tinh thần y đức, làm giàu y lý (lý luận y học), y thuật, đoàn kết, chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, sinh mệnh của Nhân dân; triển khai các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, ứng phó hiệu quả với những vấn đề phát sinh. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tập trung xây dựng Đảng bộ Bộ Y tế trong sạch, vững mạnh; tập trung kiện toàn bộ máy của Bộ và các cấp; khẩn trương rà soát, hoàn thiện chính sách về y tế cả trước mắt và lâu dài; tăng cường công tác phân cấp, phân quyền và phân bổ nguồn lực gắn với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát...