Dự Hội nghị còn có đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan và một số tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp ngoài nhà nước… tại điểm cầu tỉnh đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì; đại diện một số cơ quan, đơn vị liên quan dự Hội nghị.
Hiện nay, cả nước có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 429 trường cao đẳng, trung cấp được lựa chọn để đào tạo các ngành, nghề trọng điểm tại 144 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ. Có trên 9 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó gần 5,2 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề. Khoảng 80% người tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp tăng 7,9%/năm và số lao động tăng 1,2%/năm. Ngay trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước có 89,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.006,1 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 621 nghìn lao động.
Sau thời gian bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hiện nay thị trường lao động Việt Nam đang phục hồi tương đối nhanh với mức tăng khá cả trong lực lượng lao động và việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, chất lượng việc làm được cải thiện, thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng, tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm được cải thiện.
Cụ thể, lực lượng lao động tăng khá nhanh; số lao động có việc làm cũng tăng trở lại cùng với xu hướng phục hồi kinh tế của đất nước; tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức giảm; chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành trở lại chiều hướng tích cực; thu nhập của người lao động được cải thiện; số lượng và tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm đều giảm.
Thời gian tới, việc hỗ trợ phát triển thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức, do đó, giải pháp trước mắt là: tăng cường công tác thông tin truyền thông. Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng; đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Tăng nhanh quy mô tuyển sinh đào tạo nghề…
Đối với Lai Châu, từ năm 2016 - 2021 đã phối hợp tổ chức 251 phiên giao dịch, chợ việc làm với số người tham gia phiên giao dịch việc làm được tư vấn là 78.972 lượt người với trên 40 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng trực tiếp, tư vấn miễn phí về việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động.
Đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và cho phép trên 60 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển chọn lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Thông qua các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm đã góp phần giải quyết việc làm cho 44.307 lao động, trong đó 10.782 lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; 559 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp động.
Tham luận, thảo luận tại Hội nghị, các tập đoàn kinh tế lớn; các bộ, ban, ngành liên quan; một số tổ chức, chuyên gia quốc tế và tỉnh, thành đã làm rõ những nỗ lực trong việc giải quyết việc làm cho lao động Việt Nam, đóng góp vào phát triển đất nước, đồng thời cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan một số nội dung cụ thể.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định trong giai đoạn phát triển mới, nước ta có nhiều thời cơ, thách thức. Do đó, cần tập trung cho công tác y tế dự phòng, an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động; đầu tư cơ sở hạ tầng, khắc phục yếu kém, tạo việc làm, sinh kế cho người dân và nâng cao đời sống vật chất. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nâng cao nhận thức về thị trường lao động. Tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại, minh bạch. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của thị trường lao động; phát triển trung tâm giới thiệu việc làm; coi trọng hệ thống đào tạo việc làm, đặc biệt là đào tạo kỹ năng của nền kinh tế đang cần. Nắm bắt nhu cầu và phát triển thị trường theo hướng lành mạnh, đi đúng hướng, tập trung vào những vấn đề thị trường lao động đang phát triển.
Quan tâm đáp ứng nguồn thông tin của thị trường lao động; đẩy mạnh đầu tư số hóa để người dân tiếp cận. Đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm có tính dự báo tầm nhìn chiến lược ngắn hạn và dài hạn… Quan tâm dịch chuyển lao động việc làm theo địa lý, vùng miền; có cơ chế khuyến khích hỗ trợ đối với những địa bàn yếu kém; kết nối cung cầu lao động trong và ngoài nước, tạo việc làm ở khu vực nông thôn, miền núi để người dân hạn chế phải xa quê hương. Đối với công tác đào tạo ngành nghề không được tiết kiệm, song cũng không lãng phí…