Các đồng chí: Giàng A Tính - UV BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Trọng Hải - ,TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố và các công ty, doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực về chè và chuối trên địa bàn tỉnh dự Hội nghị.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay Lai Châu đang định hướng một số cây trồng chính để tập trung phát triển. Trong đó chè được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, hiện đang tập trung nguồn lực để hỗ trợ; chuối đang được phát triển mở rộng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè, chuối đang gặp khó khăn.
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung bàn, tháo gỡ khó khăn, kết nối và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sản phẩm chè, chuối trên địa bàn tỉnh. Các ý kiến cho rằng: Cần thành lập hiệp hội chè Lai Châu để các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chè cùng thống nhất và tìm giải pháp xuất khẩu các sản phẩm chè. Có chính sách cho thâm canh và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè với các chứng nhận theo yêu cầu của thị trường gắn với doanh nghiệp là chủ thể trong việc chứng nhận vùng nguyên liệu; đầu tư dây chuyền công nghệ để sản xuất đa dạng các sản phẩm chè; đầu tư nhà máy sản xuất tinh chế để bao tiêu sản phẩm chè thô cho những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Mong muốn có sự kết nối để tiêu thụ các sản phẩm chè cổ thụ.
Riêng đối với chuối quả hiện nay chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc nhưng việc thông thương hàng hóa qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam) - Kim Thủy Hà (Trung Quốc) chưa hoạt động trở lại ảnh hưởng xuất khẩu mặt hàng chuối tươi.
Các đơn vị kiến nghị: UBND tỉnh, sở, ngành, huyện giúp doanh nghiệp quản lý tốt vùng nguyên liệu để tránh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không cho phép; sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong thu mua chè búp tươi. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX vay tiền ngân sách địa phương hoặc vốn ưu đãi khác để trả tiền thu mua nguyên liệu cho người dân và đảm bảo sản xuất kinh doanh…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những ý kiến kiến nghị, đề xuất, thảo luận của các doanh nghiệp, HTX, cơ quan chuyên môn đối với việc tiêu thụ chè, chuối trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, địa phương: Về số lượng chè tồn kho, sau ngày 02/9 UBND tỉnh sẽ làm việc với Công ty Long Dương và các công ty của Hà Nội để tìm kiếm thị trường phù hợp với từng sản phẩm chè. Đối với chuối cần có hướng đi cụ thể, thống kê số tồn chưa tiêu thụ được để xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt. Thực hiện liên kết giữa các doanh nghiệp, thành lập Hiệp hội chè thuộc Hội doanh nghiệp trẻ tỉnh; thành lập Hội xuất nhập khẩu chuối. Thực hiện thâm canh chất lượng cao các vùng nguyên liệu theo chứng nhận, từng bước xâm nhập vào các thị trường khó tính. Các doanh nghiệp, HTX có phương án đến thị trường nội địa. Các địa phương tuyên truyền và khống chế đối với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ không nằm trong danh mục được sử dụng. Các sở, ngành chuyên môn và các địa phương cùng vào cuộc với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn…