Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành có liên quan; trưởng các phòng chuyên môn thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo…
Theo báo cáo, năm học 2020 - 2021, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại và bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tác động tiêu cực đến nền kinh tế, an sinh xã hội, trong đó có GD&ĐT. Ngành GD&ĐT đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Công tác triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 hoàn thành đúng kế hoạch, đảm bảo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành; ở bậc học mầm non, tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non 99,7%. Mạng lưới, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định, chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn ở phổ thông tiếp tục được nâng lên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học; đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Tại tỉnh Lai Châu, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 346 cơ sở giáo dục với 5.745 lớp, 151.754 học sinh. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp tăng so với năm học trước, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Trong năm học, toàn tỉnh đã hoàn thành công tác kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia cho 20 trường, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 167 trường. Trong đó, có 58 trường mầm non, 54 trường tiểu học, 46 trường THCS và 9 trường THPT…
Năm học 2021-2022, toàn ngành GD&ĐT đã đề ra một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: Chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành GD&ĐT thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 -2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương; xây dựng văn hóa học đường; cung cấp, trau dồi các kỹ năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh tế số cho học sinh, sinh viên; …
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu thống nhất cao với dự thảo báo cáo. Đồng thời, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho việc thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp trong năm học 2021-2022.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực của toàn ngành, các địa phương và toàn xã hội đối với sự phát triển GD&ĐT trong năm học qua. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu ngành GD&ĐT cần chỉ đạo các cấp học có sự quan tâm hơn nữa đến mục tiêu dạy toàn diện, thực chất hơn; phối hợp với các cấp, ngành, địa phương hoàn thiện thể chế về GD&ĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo của đội ngũ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho giáo dục; căn cứ thực tế mỗi địa phương để thực hiện sắp xếp lại hệ thống trường lớp, từng bước ổn định đội ngũ về cả số lượng và chất lượng, ưu tiên đội ngũ thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Trong đó, triển khai có hiệu quả các biện pháp về phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch Covid -19 dự báo còn có thể kéo dài và diễn biến phức tạp…