Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các hội, hiệp hội, tổ chức; đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp văn hóa…
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, Hiệp hội du lịch tỉnh, các doanh nghiệp du lịch…
Giai đoạn 2018-2022, các bộ, ngành, địa phương đã kịp thời chỉ đạo, và phê duyệt các kế hoạch, đề án, quy hoạch liên quan đến phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa; bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện cho đầu tư, phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế. Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp văn hóa đã từng bước được nâng cao.
Công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng của đất nước. Qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).
Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa ước đạt 7,2%/năm; năm 2022 thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến các ngành công nghiệp văn hoá. Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá nhanh, bình quân 5 năm lao động tăng 7,4%/năm, năm 2022 thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 4,42% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế. Xuất, nhập khẩu sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn 2018-2022 tạo ra giá trị xuất siêu, năm 2018 xuất siêu ước đạt 37 tỷ USD, đến năm 2022 xuất siêu tiếp tục tăng, ước đạt 41,9 tỷ USD.
Phương hướng chung đến năm 2030, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của Việt Nam; gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia ý kiến tập trung vào các nội dung như môi trường phát triển; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đối với các sản phẩm văn hóa; hướng dẫn việc vay vốn; xây dựng cơ sở vật chất; ứng dụng khoa học, công nghệ số, chuyển đổi số cho các ngành công nghiệp văn hóa…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hoá. Thủ tướng đề nghị, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương, Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; việc xây dựng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp cận bình đẳng về các nguồn lực và các chính sách ưu đãi; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm, có tính cạnh tranh cao; đa dạng chuỗi cung ứng, đa dạng thị trường cho các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với việc quảng bá đất, nước, con người Việt Nam và gắn với phát triển du lịch. Sản phẩm trong các ngành công nghiệp văn hoá phải mang tính bản sắc dân tộc, độc đáo, lành mạnh, mang tính bền vững; xây dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng gắn với vùng, miền, địa phương; khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng phát triển các ngành công nghiệp văn hoá…