Tại điểm cầu tỉnh, dự Hội nghị có đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Theo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 quy định 4 nhóm người có nghĩa vụ kê khai TSTN bao gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan công an nhân dân, sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND.
TSTN phải kê khai gồm: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài... Phương thức và thời điểm kê khai TSTN phụ thuộc vào địa vị pháp lý và vị trí công tác.
Trên cơ sở kế hoạch thực hiện kê khai TSTN, các cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai TSTN có trách nhiệm lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai và gửi cho cơ quan kiểm soát TSTN có thẩm quyền. Đồng thời, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai TSTN gửi mẫu Bản kê khai TSTN và hướng dẫn cho người có nghĩa vụ kê khai để kê khai TSTN; có nghĩa vụ lập sổ theo dõi, tiếp nhận và bàn giao Bản kê khai. Và, bản kê khai được công khai theo quy định.
Kiểm soát TSTN là để biết rõ TSTN, biến động về TSTN, nguồn gốc TSTN tăng thêm của người kê khai nhằm phòng ngừa tham nhũng, phục vụ công tác quản lý cán bộ, kịp thời phát hiện tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản.
Tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ngành Trung ương và các địa phương tham luận tập trung vào những khó khăn, vướng mắc trong quá trình kê khai TSTN. Đồng thời đề xuất một số kiến nghị, giải pháp để thực hiện tốt công tác kiểm soát, kê khai, xác minh TSTN trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bùi Ngọc Lam - Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh: Thực hiện Luật PCTN năm 2018; Nghị định 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy chế phối hợp của Đảng trong công tác kiểm soát TSTN… Công tác kê khai, công khai và kiểm soát TSTN dần đi vào nề nếp phát huy tác dụng trong công tác PCTN theo quy định của Đảng, Nhà nước và đạt được những kết quả nhất định. Theo kết quả tổng hợp, kể từ khi thực hiện các quy định về việc tổ chức kê khai, công khai và xác minh TSTN đến đầu năm 2023, cả nước có 1.404.936 người kê khai TSTN lần đầu; riêng năm 2022, có 545.535 người kê khai TSTN hằng năm; 44.015 kê khai TSTN bổ sung; 161.928 phục vụ công tác cán bộ; 655.299 công khai TSTN; các cơ quan chức năng đã tiến hành xác minh TSTN trên 12.000 người, trong đó có 2.664 có sai xót về kê khai theo quy định…
Đồng chí cho rằng, qua thực tiễn thi hành biện pháp kiểm soát TSTN thời gian qua theo Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP cho thấy những vướng mắc, bất cập chủ yếu tập trung vào thực hiện việc kê khai và xác minh TSTN. Thanh tra Chính phủ ghi nhận các ý kiến của đại biểu đề xuất giải pháp, kiến nghị, qua đó tập trung nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này…