Sau 01 năm triển khai thực hiện Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ việc gửi, nhận văn bản điện tử trên trục liên thông văn bản quốc gia có 95/95 đơn vị, các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Trung ương Đảng kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử ở 02 cấp chính quyền với trục liên thông văn bản quốc gia (trong đó có 60 đơn vị kết nối thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung cấp bộ, cấp tỉnh, 35 đơn vị kết nối trực tiếp phần mềm QLVB&ĐH với trục liên thông văn bản quốc gia). Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đang triển khai kết nối tới Văn phòng Quốc hội phục vụ gửi, nhận tài liệu, thông tin phục vụ các cuộc họp Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; triển khai thử nghiệm kết nối tới các doanh nghiệp đã đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Từ ngày 12/3 - 30/9/2019 có 163.107 văn bản gửi và 488.165 văn bản nhận trên trục liên thông văn bản quốc gia... qua đó góp phần giảm đáng kể chi phí gửi, nhận văn bản giấy và thời gian gửi, nhận văn bản, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên, việc gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như: nhiều đơn vị chưa bố trí được kinh phí cho việc nâng cấp hệ thống; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức rõ về hiệu quả trong việc sử dụng văn bản điện tử có ký số; chưa có ý thức thay đổi thói quen sử dụng văn bản điện tử thay cho văn bản giấy; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm việc ứng dụng chữ ký số trên văn bản điện tử; việc nâng cấp phần mềm quản lý văn bản và điều hành để đáp ứng giải pháp kỹ thuật ký số tốn nhiều thời gian...
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao kết quả của các cơ quan, đơn vị, địa phương thời gian qua trong thực hiện Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử; tuân thủ các quy định về thời gian gửi, nhận văn bản và cập nhật đầy đủ nội dung thông tin, phát hành, gửi văn bản điện tử đúng thẩm quyền; có cơ chế bảo đảm khả năng hoạt động ổn định đối với hạ tầng kỹ thuật phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; có phương án dự phòng trong trường hợp sự cố xảy ra và chịu trách nhiệm nếu để lộ, lọt thông tin khi gửi, nhận văn bản điện tử, xử lý công việc trên môi trường mạng…/.