Dự tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và 20 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh… dự.
Hiện nay, cả nước có trên 857 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 5,7 % so với cùng thời điểm năm 2020, tăng 16,7% so với bình quân giai đoạn 2017 - 2020. 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường, nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh trên 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Nền kinh tế tăng trưởng dương, trong đó, doanh nghiệp cả nước đồng hành không nhỏ vào bảo đảm kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Để cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững, Chính phủ đã có nhiều chương trình, chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm chi phí đầu vào, nhiên, nguyên vật liệu, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, duy trì một mặt bằng tỷ giá, lãi xuất hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chủ động thích ứng và phục hồi.
Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, kinh tế, xã hội nước ta phục hồi ở hầu hết các ngành, lĩnh vực; hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc; ngành hàng không, du lịch đạt mức tăng trưởng tốt, ngành xây dựng phục hồi tích cực, các ngành xuất khẩu thủy sản, dệt may có mức tăng trưởng khá, đóng góp vào tăng trưởng xuất nhập khẩu nói riêng và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, biến động về dịch bệnh, tình hình căng thẳng biến động và chính sách ngày càng nhanh gây khó khăn, thách thức cho doanh nghiệp phát triển.
Thảo luận tại Hội nghị, các địa phương tập trung phân tích, chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhất là việc xuất khẩu trong nền kinh tế hiện nay, một số nước trên thế giới kiểm soát dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa; giá xăng dầu tăng cao. Trên cơ sở đó, đại diện doanh nghiệp hiến kế, đề xuất những giải pháp nhằm tạo điều kiện vốn vay; đưa vốn vay ngành xây dựng vào ngành ưu tiên; nâng cao hiệu quả hoạt động, huy động tối đa nguồn lực của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, xã hội…
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Hiện nay, nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế tăng trưởng khá theo đúng kế hoạch đề ra; lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu đạt 32 tỷ USD, nông nghiệp phát triển cân đối bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Để đạt kết quả trên, nhờ có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước đóng góp không nhỏ, vượt qua khó khăn đứng vững, đoàn kết, thống nhất tìm ra giải pháp để phát triển. Đồng thời, chia sẻ khó khăn, mất mát, thậm trí cả hy sinh của cộng đồng doanh nghiệp hơn 2 năm qua trong thực hiện công tác vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Với kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ mong muốn thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp trong nước tiếp tục tìm giải pháp phát triển bền vững, khẩn trương tháo gỡ khó khăn, rào cản pháp lý; đáp ứng nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh; tăng cường phát triển nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và kiểm soát lạm pháp…