Tại điểm cầu Trung ương có sự tham dự của đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai; đại diện một số ban, cơ quan thuộc Trung ương Đảng, Quốc hội, một số nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức quốc tế.
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh; đại diện lãnh đạo của một số sở, ngành liên quan.
Năm 2021, thiên tai cả nước không diễn ra khốc liệt, dị thường như năm 2020, song cũng xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm với 572km sạt lở đất đặc biệt nguy hiểm, nhất là ở các khu vực ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai năm qua đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng.
Đầu năm 2022, rét đậm, rét hại đã làm gần 8.000 con gia súc bị chết, trong đó có 2 địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là Nghệ An và Sơn La. Đặc biệt, đợt mưa lũ bất thường, trái quy luật ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa làm nhiều tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng. Lốc xoáy và mưa lũ làm 4 người chết và mất tích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tổng thiệt hại ước tính lên tới 2.300 tỷ đồng.
Thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tiếp tục theo dõi diễn biến thiên tai, xây dựng kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống, nhất là thiên tai lớn trên diện rộng, phương án chỉ đạo vận hành liên hồ chứa để chủ động, kịp thời chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Chỉ đạo duy trì nghiêm chế độ ứng trực, sẵn sàng điều động lực lượng, phương tiện của các bộ, ngành và địa phương ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN, giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Đầu tư hiện đại hóa phương tiện trang thiết bị cứu hộ cứu nạn đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhất là khi xảy ra các tình huống thiên tai lớn cả ở trên biển, đất liền, vùng sâu, vùng xa dễ bị chia cắt cô lập khi xảy ra thiên tai. Nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn đảm bảo nội dung, chương trình, sát với thực tế. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với tổ chức diễn tập các phương án, nhằm nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, năng lực tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng trong những điều kiện khó khăn, phức tạp. …
Tại Hội nghị, đại biểu tại các điểm cầu bộ, ngành Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế tập trung thảo luận nêu những khó khăn và đưa giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong PCTT - TKCN.
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao những kết quả đạt được của các bộ, ngành Trung ương, địa phương trong công tác PCTT - TKCN. Đồng thời yêu cầu: Các bộ, ngành Trung ương, các địa phương phải đổi mới nâng cao năng lực theo dõi, giám sát về công tác phòng chống thiên tai; đặc biệt là đội ngũ làm công tác dự báo và PCTT các cấp. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là quan trắc, giám sát, dự báo phục vụ chỉ đạo, ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công nghệ dự báo. Rà soát, hoàn thiện kế hoạch phương án ứng phó thiên tai và TKCN. Đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ, cơ sở dữ liệu; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời với những tình huống bão, lũ. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng làm công tác PCTT bằng các hình thức phong phú, nhất là ở cấp huyện, xã. Hỗ trợ cho các hộ nghèo đầu tư về nhà ở để PCTT...