Tham dự tọa đàm, tỉnh Lai Châu có đồng chí Tống Thanh Hải – UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân tộc tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Tại buổi Tọa đàm, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, các tỉnh đã tham luận trong đó tập trung làm rõ về nguồn gốc của tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ”, về những khó khăn trong công tác tuyên truyền, những giải pháp, kiến nghị để làm tốt công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.
Tham gia thảo luận, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã báo cáo nhanh về việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo đó, tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ” ở Lai Châu có nguồn gốc từ dân tộc Mông. Thực chất, tục bắt vợ khi hai bên nam, nữ đều đủ tuổi kết hôn, không vi phạm quy định của pháp luật và trước khi cô cái cùng người yêu đi về nha chồng đều xin ý kiến cha mẹ đồng ý sau đó thực hiện các nghi lễ cưới hỏi. Bản chất của “kéo vợ” là tôn trọng, đề cao giá trị phẩm chất của người con gái chứ không phải là hành động thô bạo, cưỡng ép cô gái về nhà chồng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ” không còn tồn tại trong phong tục của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái. Việc tìm hiểu, tiến tới hôn nhân của trai, gái các dân tộc diễn ra hoàn toàn tự nguyện và tuân thủ các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Tuy vậy, vẫn còn tồn tại ở một bộ phận đồng bào tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra. Trên cơ sở đó, tỉnh Lai Châu đề nghị một số giải pháp thực hiện ở địa phương như: Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch và đề ra biện pháp cụ thể để tập trung thực hiện có hiệu quả Quyết định số 498/QĐ-TTg, ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS giai đoạn 2015-2025… và kiến nghị có chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ làm công tác tuyên tuyền, giáo dục đạo đức lối sống, các điển hình tiên tiến đã có những đóng góp trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện nếp sống văn hóa mới, xây dựng gia đình hạnh phúc, bài trừ các biến tướng, hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã đánh giá cao những ý kiến phát biểu, thảo luận của đại biểu bộ, ngành và các địa phương. Qua các ý kiến đã làm rõ hơn tục “bắt vợ - kéo vợ - trộm vợ” thực tế là một nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào một số dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, biến tưởng của tục này sẽ mang lại những hậu quả không tốt, nhất là đối với giới trẻ như tảo hôn, hôn nhân cận huyết… Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tập tục này để đồng bào hiểu rõ, giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp và loại bỏ những hủ tục lạc hậu. Nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ cơ sở trong công tác tuyên truyền; đẩy mạnh công tác dạy học cho các em học sinh trong nhà trường; nâng cao hiệu lực hiệu quả của quản lý nhà nước; ban hành chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; từng bước bài trừ các biến tướng, hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện đề án, dự án về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc để nâng cao đời sống, nâng cao dân trí cho người dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số…