Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Hà Trọng Hải - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Quốc Khanh - Tỉnh uỷ viên, Chánh Thanh tra tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh; UBND các huyện, thành phố.
Qua 5 năm thi hành Luật PCTN cho thấy, Luật đã kế thừa những ưu điểm Luật PCTN năm 2005 và Luật PCTN sửa đổi, bổ sung các năm 2007 và năm 2012; tiếp thu, cụ thể hóa những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hóa chủ trương, quan điểm, chính sách của Đảng thành pháp luật. Các quy định của Luật đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, đáp ứng được những yêu cầu nhất định của cuộc đấu tranh PCTN trong tình hình mới; công tác đấu tranh PCTN được thực hiện quyết liệt theo chủ trương “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Công tác đấu tranh PCTN tại các bộ, ngành, địa phương được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt; sự chỉ đạo toàn diện, sâu sát, quyết liệt của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp và thường xuyên của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo; sự tập trung chỉ đạo, giám sát của Quốc hội; với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Tư pháp; quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương, sự cố gắng của các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể, cơ quan báo chí, truyền thông và nhất là vai trò quan trọng của Nhân dân, công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện. Cán bộ, công chức, viên chức cơ bản có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có ý thức phục vụ Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh.
Cùng với những kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có thể khẳng định công tác PCTN không những không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân, dư luận quốc tế đồng tình ủng hộ, đánh giá cao, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, làm trong sạch bộ máy, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tham luận tại Hội nghị tập trung vào các nội dung: Các chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Trung ương trong công tác PCTN, tiêu cực; công tác phát hiện, khởi tố, điều tra tội phạm tham nhũng của lực lượng công an nhân dân giai đoạn 2029 - 2024; công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ khái quát những kết quả nổi bật qua 5 năm thi hành Luật PCTN, đồng thời nêu lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục.Thời gian tới, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về PCTN. Trong đó, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác PCTN, tiêu cực, đồng thời quán triệt và thực hiện đúng tinh thần lãnh đạo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý kinh tế - xã hội đảm bảo tính thống nhất đồng bộ, chặt chẽ, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp về PCTN, tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; các cơ quan thanh tra kiểm tra, kiểm toán, điều tra xét xử, thi hành án cần quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng, đảm bảo thực hiện tốt công tác PCTN; ngành Thanh tra tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước về PCTN, tiến hành thanh tra, kiểm tra về trách nhiệm của các thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về PCTN; tăng cường phát hiện xử lý tham nhũng qua thanh tra; đối với các kiến nghị, Thanh tra Chính phủ tiếp tục và xem xét giải quyết theo thẩm quyền…