Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu dự Hội nghị có đồng chí Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh; thành viên Tổ Công tác, tổ giúp việc triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, lực lượng vũ trang, bưu chính viễn thông tỉnh.
Năm 2024, CĐS quốc gia, nhất là triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt nhiều bước tiến lớn, quan trọng; việc tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. Thể chế, cơ chế, chính sách liên quan đến CĐS tiếp tục được tập trung hoàn thiện. Trong năm, Quốc hội đã ban hành Luật Dữ liệu; Chính phủ đã ban hành 14 Nghị định; các bộ đã ban hành theo thẩm quyền 33 Thông tư; đơn giản hóa 898/1.084 thủ tục hành chính được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ; 63/63 địa phương đã ban hành Nghị quyết miễn giảm phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.
Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, doanh thu năm 2024 đạt 152 tỷ USD, tăng 10,9%. Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng mạnh, năm 2024 đạt 18 tỷ USD, tăng 38,5%.
Từ tháng 10/2024, Việt Nam đã chính thức thương mại hóa dịch vụ viễn thông 5G. Tốc độ Internet của Việt Nam năm 2024 xếp thứ 37, tăng 7 bậc so với năm 2023.
Hoàn thành cấp 100% CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 60 triệu tài khoản định danh điện tử; cung cấp 40 tiện ích trên ứng dụng VnelD, tăng 27 tiện ích so với năm 2023; làm sạch 35,1 triệu dữ liệu giấy phép lái xe; đối soát thông tin sinh trắc của 56,8 triệu hồ sơ khách hàng ngành ngân hàng.
Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2024 tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của năm 2024 tăng 2 bậc, xếp hạng 44/133; Chỉ số an toàn, an ninh mạng toàn cầu năm 2024 tăng 8 bậc, xếp hạng 17/194.
Năm 2025, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai CĐS để tạo bước đột phá, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; Ủy ban Quốc gia về CĐS sẽ tập trung chỉ đạo triển khai CĐS toàn diện các ngành, lĩnh vực góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8-10% trong năm 2025.
Tham gia ý kiến tại Phiên họp, các bộ, ngành, địa phương đã đánh giá việc thực hiện CĐS quốc gia, Đề án 06 năm 2024 và những kết quả đạt được trong năm 2024; nêu lên các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách...
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã cùng thực hiện bấm nút công bố khai trương thí điểm Hệ thống điều phối dữ liệu y tế. Đây là một hệ thống công nghệ thông tin được thiết kế để thu thập, lưu trữ, chia sẻ và phân tích dữ liệu y tế giữa các cơ sở y tế, tổ chức và cá nhân liên quan. Mục tiêu chính của hệ thống này là cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường hiệu quả hoạt động của ngành y tế và hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học.
Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: Thành công của CĐS không chỉ phụ thuộc vào công nghệ mà còn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người, đặc biệt là vai trò dẫn dắt của người đứng đầu. Muốn CĐS có hiệu quả, “Người đứng đầu phải muốn làm, trực tiếp làm, trực tiếp sử dụng”.
Thủ tướng yêu cầu: Đối với những vấn đề mới, chưa có tiền lệ, triển khai áp dụng mô hình triển khai thí điểm, sau đó lựa chọn mô hình thành công để phổ cập, nhân rộng mô hình. CĐS cần phải tìm, mở đột phá, lựa chọn một vấn đề thiết yếu, có tác động lan tỏa, giải quyết tồn tại, phục vụ người dân, từ đó tự tin mở rộng sang các lĩnh vực khác.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: CĐS không chỉ là ứng dụng công nghệ số, mà quan trọng hơn là sự thay đổi, theo đó CĐS thì chuyển đổi chiếm 70%, công nghệ chiếm 30%; phải hoàn thiện thể chế để thay đổi, việc phát triển dữ liệu số phải bảo đảm 2 nguyên tắc: “bắt buộc” và “100%”. Thực hiện hiệu quả và thành công CĐS góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.