Để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (KCHTGTĐB), đảm bảo trật tự và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), ngày 16/10/2019, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 19/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về trật tự, ATGT, nhất là các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ KCHTGTĐB, các hành vi sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, phá hoại công trình giao thông, hành lang an toàn đường bộ, gây mất ATGT và hư hỏng công trình đường bộ.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ KCHTGTĐB; kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ trong công tác cưỡng chế hành lang an toàn đường bộ và trật tự lòng đường, vỉa hè. Nghiên cứu tham mưu sửa đổi, hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sử dụng đất hành lang ATGT đường bộ; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong việc thẩm định, cấp quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác đúng mục đích sử dụng, đồng thời đảm bảo giới hạn quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ theo Điều 15 của Nghị định số 100/2013/NĐ-CP, ngày 03/9/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP.
Các chủ đầu tư đối với các dự án xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo đường bộ phải lập phương án bồi thường để thu hồi hết phần đất bảo trì của đường bộ; tổ chức cắm đầy đủ mốc lộ giới xác định hành lang an toàn đường bộ và mốc giải phóng mặt bằng xác định phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng theo quy định tại Nghị định số 11/2010/NĐ-CP, ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và Nghị định số 100/2013/NĐ-CP, ngày 09/3/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 1 l/2010/NĐ-CP, ngày 24/02/2010. Tổ chức giải tỏa các trường hợp lấn chiếm, tái lấn chiếm đất trong phạm vi bảo vệ công trình, đất hành lang ATGT đường bộ đã được bồi thường, đền bù, đặc biệt trong các đô thị; chỉ đạo các đơn vị nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên xây dựng phương án quản lý, bảo vệ KCHTGTĐB trên các tuyến đường được giao quản lý; kiểm tra đôn đốc và phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm các quy định về hành lang ATGT đường bộ đã được đền bù bàn giao cho ngành giao thông quản lý.
Đối với đất hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến đường chưa được bồi thường, đền bù: lập kế hoạch giải tỏa các công trình ảnh hưởng đến phạm vi bảo vệ KCHTGTĐB, ảnh hưởng đến an toàn công trình đường bộ; xử lý nghiêm theo quy định việc lấn chiếm, tái lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ, đấu nối trái phép, sử dụng đất hành lang ATGT đường bộ trái với quy định của pháp luật. Đối với đất hành lang ATGT đường bộ trên các tuyến đường đã được bồi thường, đền bù và đã bàn giao cho Sở Giao thông vận tải quản lý: phối hợp với Sở Giao thông vận tải, đơn vị quản lý đường bộ, xử lý theo thẩm quyền các hành vi xâm phạm công trình đường bộ, các hành vi lấn, chiếm, sử dụng trái phép đất dành cho hành lang ATGT đường bộ./.