Dự Hội nghị có thành viên Ban Tổ chức Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022; lãnh đạo Văn phòng UBND, một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thành phố; đại diện các hội, hiệp hội về sâm, du lịch, nông sản, doanh nhân trẻ, doanh nghiệp tỉnh, đơn vị đang đầu tư phát triển sâm Lai Châu, doanh nghiệp, hợp tác xã trên cả nước…
Hội chợ sâm Lai Châu năm 2022 lần đầu tiên được tổ chức, vì vậy có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với tỉnh. Điều này được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tổ chức bài bản, quy mô về công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện. Đối với cây sâm Lai Châu, đồng chí cho rằng, những năm gần đây, tỉnh Lai Châu đã kịp thời chỉ đạo, nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen quý, tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sâm và các loại cây dược liệu, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và môi trường sinh thái. Với kết quả đó, Lai Châu hoàn toàn có thể hình thành vùng sản xuất, chế biến và khả thi với mức tăng trưởng cao. Mong muốn Sâm Lai Châu không chỉ xứng danh tên gọi “quốc bảo” của Việt Nam mà còn là “quốc kế dân sinh” mang lại thu nhập cao cho toàn thể Nhân dân.
Trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và cụ thể hóa chủ trương của tỉnh trong phát triển sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh đến năm 2045, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 09/11/2022 ban hành Kế hoạch phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Mục tiêu là bảo tồn, quản lý diện tích sâm Lai Châu hiện có; phát triển sâm Lai Châu gắn với chế biến thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có thương hiệu gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Những điều đó đều được xây dựng trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng nhu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030, bảo tồn nguồn gen cây sâm Lai Châu có phân bổ trong tự nhiên với diện tích khoảng 100ha tại các huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè. Hỗ trợ đầu tư, xây dựng 5 cơ sở sản xuất giống, 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu sâm Lai Châu tập trung, chất lượng. Hình thành vùng nguyên liệu trồng sâm tập trung tại những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp với quy mô diện tích trên 3.000ha...
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả phát triển sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 định hướng cụ thể về phát triển quy mô diện tích và vùng trồng sâm đến năm 2045. Phấn đấu vùng trồng đạt khoảng 10.000ha, hình thành các vùng trồng sâm tập trung trên địa bàn các huyện đã xác định. Thu hút đầu tư, xây dựng 2 nhà máy chế biến sản phẩm sâm Lai Châu giai đoạn 2031 - 2045; 100% sản phẩm sâm thu hoạch được sơ chế, bảo quản đảm bảo theo quy trình kỹ thuật, có 30% sản lượng sâm Lai Châu được chế biến sâu.
Tham gia thảo luận, các đại biểu nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất thêm nhiều giải pháp phát triển sâm Lai Châu. Trong đó có việc khuyến khích chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng sâm; trồng thử nghiệm nhiều giống sâm để lựa chọn giống có chất lượng tốt; cần có phần mềm truy xuất nguồn gốc sâm. Tỉnh nên phối hợp với các viện khoa học, trường đại học, cao đẳng trong cả nước tổ chức chương trình thực tập, khảo sát về giống sâm gắn với phát triển du lịch; mở rộng vùng nguyên liệu; ứng dụng công nghệ khoa học kĩ thuật vào việc nhân giống, chăm sóc, phát triển, phòng, chống dịch bệnh cho cây sâm…
Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác tổ chức của Ban Tổ chức Hội chợ sâm Lai Châu, các sở, ban, ngành tỉnh, sự đồng hành của các nhà đầu tư, công ty, doanh nghiệp góp phần tạo nên thành công của sự kiện. Đồng chí nhấn mạnh bằng mọi giải pháp phải phát triển sâm Lai Châu, không chỉ phát triển sâm rừng tự nhiên mà tất cả các loại sâm. Tỉnh Lai Châu sẽ đồng hành với các doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã để liên kết với các hộ dân; các chính sách của Trung ương, của tỉnh phải có một nhóm nòng cốt về đất đai, cây giống để phát triển sâm.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND các huyện rà soát những hộ trồng sâm trên địa bàn, đồng thời phải cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn trồng, chăm sóc, phát triển sâm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương xây dựng thị trường sâm. Mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hợp tác với các chuyên gia nước ngoài đầu tư phát triển chế biến sâu. Khuyến khích các doanh nghiệp vừa sản xuất, kinh doanh sâm gắn với du lịch. Tỉnh sẽ có kế hoạch triển khai chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một cách bài bản để cây sâm gia tăng giá trị, thực sự là mặt hàng chủ lực của tỉnh.