Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu đã thông tin khái quát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với đoàn công tác. Theo đó, Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới, có đường biên giới dài 265,165km giáp Trung Quốc. Là địa phương có diện tích lớn thứ 10 (9.068,73km2) trong số 63 tỉnh, thành của cả nước; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Lai Châu chiếm trên 84%. Hệ thống giao thông của tỉnh đã kết nối Lai Châu với khu vực tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và các điểm du lịch lớn như: Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên Phủ (Điện Biên). Tỉnh có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biên mậu, thủy điện, nông - lâm nghiệp và thủy sản, du lịch.
2 năm qua, dù chịu tác động của dịch bệnh Covid-19 song nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh vẫn đạt và vượt so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 đạt 5,6% (kế hoạch 7,96%); Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người năm 2021 đạt 44,4 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng so với năm 2020. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 9,15% (kế hoạch 7,7%), trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,43%; công nghiệp và xây dựng tăng 15,6%; dịch vụ tăng 5,61%.
Căn cứ vào những thế mạnh của địa phương, tỉnh đã ban hành 6 nghị quyết chính sách quan trọng để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Hiện nay toàn tỉnh có 124 sản phẩm OCOP; trên 10.700ha các loại dược liệu như sâm Lai Châu, bảy lá một hoa, lan Kim tuyến và nhiều tiềm năng phát triển khác…
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum và các thành viên trong đoàn công tác khẳng định: Lai Châu và Kon Tum là 2 tỉnh có những điểm tương đồng về trình độ tổ chức sản xuất, địa hình, điều kiện khí hậu. Tuy nhiên Lai Châu đã phát huy thế mạnh của mình, đạt nhiều thành tựu bước đầu, đạt ấn tượng trong phát triển cây quế. Tỉnh Kon Tum vẫn đang gặp khó khăn trong thực hiện chính sách nông nghiệp do đó, việc Lai Châu thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025 là một trong những điểm quan trọng mà Kon Tum cần phải học hỏi.
Các đồng chí trong đoàn công tác cũng rất ấn tượng với tỉnh Lai Châu trong xây dựng kiến trúc đô thị, quy hoạch hệ thống cây xanh, về hệ thống giao thông, du lịch, phát triển cây sâm, cao su, cây ăn quả, cây chuối. Lai Châu đã ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp sát thực tế và thực hiện rất thành công. Vì vậy, chuyến thăm Lai Châu có ý nghĩa lớn giúp cho đoàn công tác học hỏi kinh nghiệm trong hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp. Sau chuyến công tác này, tỉnh Kon Tum sẽ ban hành chính sách sát thực tiễn để sớm đi vào cuộc sống. Đồng thời mong muốn 2 tỉnh cùng nhau giữ gìn thương hiệu sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh, sâm Kon Tum để tiếp tục phát triển cây dược liệu này.
Tại buổi làm việc, đồng chí Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm trong ban hành các nghị quyết lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh cũng như trong phát triển khu vực cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng; phát triển du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Nêu những nhiệm vụ quan trọng, đột phá trong phát triển kinh tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh của tỉnh biên giới trong thời gian tới. Mong muốn 2 tỉnh tạo điều kiện cho các huyện, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 tỉnh kết nghĩa với nhau để sản phẩm sâm 2 tỉnh được học tập, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển. Trân trọng mời đoàn công tác có sản phẩm sâm để trưng bày, giao lưu tại Hội chợ Sâm Lai Châu được tổ chức trong thời gian tới.
Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng gửi lời mời đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành Lai Châu vào thăm Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng để thăm quan và cùng tương tác, hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế, đặc biệt là hợp tác phát triển cây sâm.
Trước đó, đoàn công tác đã thăm quan vùng trồng cây sâm Lai Châu tại xã Giang Ma, vùng trồng cây chanh leo tại bản Chu Va 12, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường); vùng chè và một số mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng trên địa bàn huyện Tân Uyên.
Dịp này, đoàn công tác 2 tỉnh đã trao tặng các món quà là đặc sản nông nghiệp của 2 địa phương./.