Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Úc tài trợ. Dự án được chia làm 5 gói thầu đi qua địa phận thành phố Lai Châu và 3 huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên, tổng chiều dài 83km. Tổng mức đầu tư dự án (đã bao gồm tuyến nối Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai): 5.339,591 tỷ đồng, tương đương 235,328 triệu USD.
Quá trình triển khai Dự án, tỉnh Lai Châu còn gặp rất nhiều khó khăn do khái toán chi phí cho giải phóng mặt bằng (GPMB) không sát thực tế. Việc xác minh, xác định nguồn gốc sử dụng đất do một số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng chủ sử dụng đất, chủ sử dụng đất không phải là người cư trú tại địa phương. Đơn giá bồi thường thấp hơn so với thực tế giá thị trường. Các đơn vị chủ quản công trình hạ tầng, kỹ thuật (VNPT Lai Châu, Công ty Điện lực Lai Châu; Viettel Lai Châu) chậm di dời đường điện, đường viễn thông trong phạm vi GPMB.
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện Dự án, tỉnh Lai Châu đã thành lập tổ hỗ trợ giải phóng mặt bằng do Giám đốc Sở GT-VT làm tổ trưởng và nhiều cơ quan cùng phối hợp thực hiện. Đối với chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, tỉnh đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tuy nhiên phải thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh mới đủ căn cứ. Do đó Lai Châu tiến hành hoàn thiện các thủ tục cần thiết để thực hiện. Lai Châu cũng đang vướng mắc do ngành điện lực và đơn vị kinh doanh mạng viễn thông chưa thể di dời hạ tầng để bàn giao mặt bằng. Lai Châu dự kiến thiếu khoảng 290 tỷ đồng phục vụ cho công tác GPMB, đề nghị các bên liên quan cùng với Lai Châu sớm chốt số vốn bổ sung để thống nhất cùng thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GT-VT cho rằng, Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc tuyến nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang chậm tiến độ, bằng mọi cách phải tháo gỡ khó khăn để đưa vào thi công. Do đó, thời gian tới, đối với Ban 2 và các địa phương trong thời gian tới cần dự báo trước và xác định nhiệm vụ làm ngay từ bây giờ với tinh thần trách nhiệm cao. Các địa phương giao Giám đốc Sở GT-VT nắm bắt tiến độ để tham mưu UBND tỉnh và là kênh giám sát Ban 2 để báo cáo Bộ GT-VT.
Việc trước mắt cần ưu tiên cho công tác GPMB nhưng phải có trọng tâm trọng điểm, nơi nào điều kiện thi công tốt, có nhà thầu phải ưu tiên làm trước, không giàn trải. Các địa phương phải yêu cầu đơn vị quản lý các công trình công cộng cam kết thời gian, tiến độ di dời, nếu không bàn giao mặt bằng cho tỉnh kịp thời sẽ phải xử lý. Các địa phương sớm hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thông qua kỳ họp HĐND tỉnh cùng cấp để trình Bộ NN&PTNT. Sở GT-VT các tỉnh phối hợp với Ban 2 nắm chắc tình hình giá cả vật liệu, quy hoạch bãi đỗ thải gắn với mục đích lâu dài là san lấp, đắp nền, vừa tránh sạt sở, vừa tạo quỹ đất phục vụ tái định cư ổn định dân cư. Ban 2 bám sát hiện trường, kiểm soát chặt chẽ nhà thầu đã trúng thầu, nắm bắt, áp sát tiến độ.
Ngoài khuôn khổ cuộc họp, giao nhiệm vụ cho tổ công tác thực hiện thi công Dự án, đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ công tác cần cử thành viên cùng tham gia buổi làm việc giữa Ban 2 với địa phương trong kiểm đếm, đền bù thiệt hại thống nhất nguồn vốn trong GPMB, trong đó phải có lực lượng công an. Các huyện chủ động thành lập tổ công tác thực hiện Dự án xuống cơ sở để nắm bắt tình hình Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường quan tâm chỉ đạo và huy động hệ thống chính trị các cấp cùng vào cuộc để góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Nhất quyết phải kiểm soát thực địa không để thay đổi hiện trạng trên đất thuộc diện GPMB.
Đối với Sở NN & PTNT đề xuất với HDND tỉnh tại kỳ họp diễn ra trong tháng 10 về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Các ngành: Điện lực, Viễn thông chủ động các phương án đề xuất cấp trên khẩn trương can thiệp, xử lý để sớm trả lại mặt bằng cho địa phương thi công. Sở Tài nguyên - Môi trường thực hiện đúng theo Luật Khoáng sản để chủ động nguồn vật liệu xây dựng phục vụ cho thi công Dự án…