Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng...”
Thứ bảy - 14/10/2017 22:033790
Sáng 14/10, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trịnh Đình Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị. Lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí: Nguyễn Khắc Chử - Bí thư Tỉnh ủy; Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang tỉnh, các huyện, Thành phố… dự Hội nghị.
Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê hiện trạng rừng năm 2016 tổng diện tích rừng toàn quốc có 14.377.682ha, trong đó khoanh nuôi tái sinh và giải pháp bảo vệ rừng tự nhiên hiện có 10.242.141ha; rừng trồng 4.135.541ha; độ che phủ rừng 41,19%. Giá trị lâm nghiệp tăng bình quân 6,75%/năm; dịch vụ môi trường rừng trở thành nguồn tăng thu các chủ rừng, hàng năm thu từ 1.200-1.300 tỷ đồng chi trả 5,4 triệuha rừng; năm 2017 ước thu khoảng 1.650 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện 13.178 vụ vi phạm về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại 1.257ha, xử lý hành chính 10.985 vụ, xử lý hình sự 263 vụ. Từ năm 2017 thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc. Từ năm 2012-2017, trong 58 tỉnh, thành phố, các cơ quan Nhà nước đã phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng 38.276ha/1.892 dự án…
Trong thời gian tới, đề ra 1 mục tiêu tổng quát, 5 mục tiêu cụ thể, 8 nhiệm vụ, 3 giải pháp trọng tâm. Trong đó phấn đấu đến năm 2020: tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân năm đạt từ 5,5-6%; tỷ lệ che phủ đạt 42%, diện tích rừng các loại 14,4 triệu ha; nâng cao năng suất rừng trồng lên 20m3/ha/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản từ 8-8,5 tỷ USD; duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo…
Tỉnh ta có diện tích tự nhiên 9.060 km2, tỷ lệ che phủ rừng đạt 48%, diện tích rừng hiện nay trên 435.000ha, trong đó rừng trồng trên 24.000ha, rừng tự nhiên trên 411.000ha, riêng diện tích trồng bù rừng từ các công trình thủy điện đạt trên 5.335ha...
Các ý kiến tại Hội nghị đã làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân tình trạng khai thác rừng trái phép, đồng thời đề xuất những giải pháp linh hoạt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Lê Trọng Quảng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã nêu lên kinh nghiệm trong bảo vệ phát triển rừng như: tổ chức giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng, làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng; hỗ trợ người dân trồng rừng kinh tế; đưa diện tích sau nương rẫy, có khả năng tái sinh vào khoanh nuôi tái sinh theo cộng đồng; đẩy mạnh tái cơ cấu nông lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị. Đồng thời kiến nghị: sớm thực hiện tăng giá dịch vụ môi trường rừng mà Nghị định Chính phủ đã ban hành, đưa diện tích đất có cây tái sinh vào hưởng dịch vụ môi trường rừng, giao quyền chủ động trồng rừng cho các địa phương, tăng mức hỗ trợ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp xây dựng nông thôn mới, đề xuất mô hình sáp nhập Ban Quản lý rừng phòng hộ với các Hạt kiểm lâm…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương các cấp, các ngành, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Đồng thời nhấn mạnh: Các cấp, các ngành, địa phương thực hiện đóng cửa rừng, dừng việc khai thác gỗ rừng tự nhiên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong công tác bảo vệ rừng; kiểm soát chặt chẽ mục đích sử dụng rừng tự nhiên hiện có sang các mục đích khác; các dự án đã chuyển mục đích sử dụng rừng phải hoàn thành trồng rừng thay thế; không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển, rừng ngập mặn; chống chặt phá rừng trái pháp luật có hiệu quả; từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất lượng rừng nhất là phòng hộ đầu nguồn, ven biển; tăng cường bảo vệ phát triển rừng bền vững, coi đó là nguồn thu nhập, nâng cao độ che phủ rừng; chống chặt phá rừng trái pháp luật; các địa phương xử lý nghiêm các vụ vi phạm rừng, ngăn chặn hành vi chặt phá rừng…/.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế