Dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Hội đồng thẩm định; đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Nhùn; đại diện lãnh đạo UBND xã Nậm Pì, xã Pú Đao và một số đơn vị có liên quan.
Dự án Thủy điện Nậm Pì khai thác năng lượng trên suối Nậm Long và suối Nậm Khao thuộc lưu vực của suối Nậm Long và suối Nậm Khao là phụ lưu của sông Nậm Na. Địa điểm thực hiện dự án tại xã Nậm Pì và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu. Dự án Thủy điện Nậm Pì có công suất lắp máy là 10 MW, hàng năm cung cấp cho lưới điện khu vực khoảng 33,56 triệu kWh. Dự án do Công ty Cổ phần Thủy điện Hà Châu làm chủ đầu tư với nguồn vốn đăng ký đầu tư khoảng 330.306.706.000 đồng.
Thủy điện Nậm Pì là một trong 11 dự án đã được Bộ Công thương bổ sung vào Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Lai Châu theo Quyết định số 4942/QĐ-BCT ngày 27/12/2018 nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Lai Châu, đồng thời là nguồn dự phòng cho hệ thống điện của tỉnh, trong trường hợp xảy ra sự cố điện lưới Quốc gia. Việc xây dựng và vận hành Dự án Thủy điện Nậm Pì sẽ góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo cảnh quan môi trường, đồng thời góp phần đưa cơ cấu kinh tế của địa phương từ nông, lâm sang nền kinh tế công, nông nghiệp...
Tại cuộc họp, chủ đầu tư đã nhận định và đánh giá được hầu hết các loại chất thải phát sinh và các vấn đề môi trường có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án; đưa ra các biện pháp giảm thiểu, kế hoạch quản lý và giám sát môi trường có tính khả thi cao, phù hợp với đặc điểm của khu vực thực hiện dự án...
Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã có ý kiến tập trung vào các nội dung như: Quy mô, khoảng cách từng bãi thải; các khu vực phụ trợ bố trí tại các bãi thải; bổ sung phương án đảm bảo an toàn giao thông khi thi công dự án; hệ thống thu gom nước thải; vị trí, diện tích các lán trại và kho bãi…
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Hà Trọng Hải, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần tiếp thu ý kiến đóng góp của thành viên Hội đồng và chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo trong thời gian sớm nhất, đảm bảo các giải pháp khắc phục tác động môi trường phù hợp theo quy định. Sau khi thẩm tra nội dung, hoàn thiện báo cáo, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh./.